Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ “bơm” mạnh nguồn cung, giá khí đốt châu Âu lao dốc còn gần 800 USD/1.000 m3

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021, giá khí đốt ở châu Âu bất ngờ lao dốc về dưới 800 USD/1.000 m3 lần đầu tiên kể từ ngày 10/11/2021.

Giá khí đốt châu Âu giảm mạnh xuống dưới 800 USD/1.000 m3 trong phiên 31/12/2021
Giá khí đốt châu Âu giảm mạnh xuống dưới 800 USD/1.000 m3 trong phiên 31/12/2021

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/12/2021, giá khí đốt tại châu Âu giảm hơn 22% so với mức cao nhất mọi thời đại thiết lập vào đầu tuần trước.

Mỹ “bơm” mạnh nguồn cung, giá khí đốt châu Âu  lao dốc còn gần 800 USD/1.000 m3 - Ảnh 1

Theo dữ liệu của sàn ICE tại London, giá khí đốt ở châu Âu trong phiên ngày thứ Sáu giảm mạnh về gần 800 USD/1.000 m3, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021.

Giá khí đốt hợp đồng giao sau tháng 2/2022 tại trung tâm TTF ở Hà Lan được giao dịch ở mức 796 USD/1.000 m3, tương đương 68 Euro/MWh.

Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng vọt trong thời gian gần đây, lên mức cao nhất trong lịch sử thị trường kỳ hạn là 2190,4 USD/1.000 m3 ghi nhận ngày 21/12.

Các chuyên gia cho rằng giá tăng vọt là do tỷ lệ lấp đầy của các kho chứa ngầm ở châu Âu thấp, nguồn cung hạn chế từ các nhà cung cấp chính và nhu cầu cao đối với LNG ở châu Á.

Ngoài ra, tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom cho rằng giá khí đốt kỳ hạn tại trung tâm TTF (Hà Lan) biến động vì yếu tố đầu cơ và không phản ánh giá thực tế của mặt hàng năng lượng này tại châu Âu. Theo Gazprom, giá xuất khẩu khí đốt cho châu Âu theo hợp đồng trong năm 2021 ở mức 280 USD/1.000 m3.

Sau khi chạm đỉnh hôm 21/12, giá khí đốt tại châu Âu dần hạ nhiệt khi hoạt động sản xuất điện gió được nối lại và việc Mỹ tăng mạnh nguồn cung khí đốt cho các nước châu Âu.

Nhằm hỗ trợ các đối tác châu Âu khắc phục tình trạng thiếu khí đốt trong mùa Đông giá lạnh, Mỹ tiếp tục tăng số lượng tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) xuyên hai bờ Đại Tây Dương lên tới 15 chuyến/ngày. Hãng tin Bloomberg hôm 26/12 cho biết số lượng tàu chở LNG từ Mỹ và hướng tới các cảng ở Tây Âu đã tăng 50% trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng ở các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày càng trầm trọng. Ngoài ra, hiện có thêm 11 tàu chở LNG khác từ Mỹ cũng đã sẵn sàng lên đường dù điểm đến chưa được công bố.

Trong khi đó, theo dữ liệu của nhà khai thác Gascade (Đức), đường ống dẫn khí Yamal-châu Âu (vốn dẫn khí đốt từ Nga đến Tây Âu) tiếp tục bơm nhiên liệu lại từ Đức sang Ba Lan ngày thứ 12 liên tiếp tính đến ngày 1/1/2022. Tập đoàn Gazprom ngày 30/12/2021 thông báo không dành bất kỳ năng lực vận chuyển khí đốt tự nhiên mới nào đến châu Âu thông qua tuyến đường ống khí đốt Yamal-châu Âu.

Đường ống Yamal-châu Âu là một tuyến đường ống chính để xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu. Nhà xuất khẩu khí đốt của Nga Gazprom không đăng ký vận chuyển khí đốt xuất khẩu qua đường ống Yamal-châu Âu từ ngày 21/12.

Trong tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Đức đang bán lại khí đốt của Nga cho Ba Lan và Ukraine thay vì "hạ nhiệt" thị trường khí đốt đang quá nóng.

Hiện tâm lý của các nhà giao dịch trên thị trường bị chi phối bởi các yếu tố như thời tiết và sự không chắc chắn thời điểm đi vào vận hành dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga.

Ngày 29/12/2021, Tổng thống Putin thông báo tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 chạy từ Nga sang Đức đã sẵn sàng cho xuất khẩu khi đoạn đường ống thứ hai được bơm đầy, qua đó có thể giúp làm dịu đà tăng giá khí đốt ở châu Âu. Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 được hoàn thành vào tháng 9/2021 nhưng vẫn chưa bắt đầu hoạt động thương mại do chờ sự chấp thuận của Đức và EU theo quy định.