Theo CNN, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 2/11 cho biết, theo nguồn tin của tình báo nước này, Triều Tiên đang bí mật cung cấp một số lượng đạn pháo “đáng kể” cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.
“Mỹ có các dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang bí mật cung cấp đạn pháo cho Nga. Chúng tôi sẽ theo dõi để xem liệu các lô hàng có đến tay người nhận hay không” - ông Kirby cho hay, đồng thời lưu ý rằng Nga đang phải tìm nguồn hỗ trợ vũ khí từ Triều Tiên và Iran do bị áp đặt các lệnh trừng phạt.
Vị phát ngôn viên cáo buộc Triều Tiên đang che giấu các lô hàng bằng cách vận chuyển chúng qua các nước ở Trung Đông và Bắc Phi. “Chúng tôi biết họ sẽ chuyển những quả đạn này đến đâu” - ông Kirby nói nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết.
Nguồn tin tình báo trên không cung cấp chi tiết về số lượng vũ khí của Triều Tiên hỗ trợ Nga cũng như hình thức thanh toán.
Ông Kirby cũng lưu ý rằng sự hỗ trợ vũ khí từ Iran và Triều Tiên không có khả năng thay đổi động lực hoặc kết quả của cuộc chiến, trong khi đó Mỹ vẫn cam kết cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ an ninh liên tục.
Theo ông Kirby, các chuyến hàng của Triều Tiên không chỉ là dấu hiệu Bình Nhưỡng sẵn sàng hỗ trợ Moscow mà còn cho thấy tình trạng thiếu vũ khí của Nga do các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu do Mỹ dẫn đầu.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 1/11 cảnh báo sẽ “sử dụng mọi công cụ” để chống lại “việc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga” tương tự như các biện pháp mà Mỹ đang sử dụng với Iran.
Phía Triều Tiên chưa bình luận về phát biểu mới nhất của ông Kirby, tuy nhiên Bình Nhưỡng trước đây đã nhiều lần khẳng định nước này chưa bao giờ cung cấp vũ khí hay đạn dược cho Nga và cũng không có kế hoạch làm như vậy trong tương lai.
Nga cũng chưa có phản ứng gì với cáo buộc của Mỹ.
Theo Reuters, hệ thống tin nhắn khẩn cấp Nhật Bản phát cảnh báo người dân ở các tỉnh Miyagi, Yamagata và Niigata trú ẩn trong nhà sau hành động này của Triều Tiên, nhằm tránh các mảnh tên lửa rơi.
Tokyo sau đó cho biết tên lửa bay qua lãnh thổ của Nhật Bản hướng về và rơi ở Thái Bình Dương. Nước này không triển khai biện pháp phá hủy tên lửa, theo NHK. Cơ quan khẩn cấp Nhật Bản đã nhóm họp ngay lập tức bàn phương án ứng phó.
Quân đội Hàn Quốc cũng xác nhận Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo không xác định về phía Đông Hải (Nhật gọi là biển Nhật Bản) vào sáng sớm 3/11. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) đã thông báo về vụ phóng, song vẫn chưa đưa ra thông tin chi tiết, Yonhap đưa tin.
Trước đó, ngày 2/11, Triều Tiên đã phóng tổng cộng 23 tên lửa ra các vùng biển phía Đông và phía Tây nước này, trong đó có 1 tên lửa rơi gần lãnh hải Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên tên lửa của Triều Tiên có đường bắn gần Hàn Quốc như vậy kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên năm 1953.
Theo JSC, nước này đã phát cảnh báo không kích trên đảo Ulleung vào khoảng thời gian xảy ra vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.
Quân đội Hàn Quốc cho biết các máy bay chiến đấu của nước này đã bắn ba tên lửa đất đối không xuống vùng biển phía bắc qua đường giới hạn phía bắc để đáp trả.
Bên cạnh đó, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên ngày 2/11 bắn hơn 100 loạt đạn pháo từ bờ biển phía đông vào vùng đệm được thiết lập trong một thỏa thuận quân sự với Hàn Quốc.