Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ, châu Âu lao đao vì lạm phát tăng kỷ lục

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau những nỗ lực giữ lạm phát ổn định, các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu đang “đau đầu” để kiềm chế mức lạm phát hiện đã vọt lên mức cao nhất trong hàng chục năm gần đây.

Theo NYT, các dự đoán về lạm phát trước thời điểm Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine đã trở nên lỗi thời, do nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá mạnh ở nhiều nước trên thế giới. Cuộc xung đột quân sự tại Ukraine làm gia tăng lo ngại về sự ổn định của nguồn cung năng lượng từ Nga, vốn rất quan trọng đối với châu Âu, làm gián đoạn sản xuất lương thực và tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng đói toàn cầu. Trong khi đó, chuỗi cung ứng vẫn chịu áp lực kể từ khi đại dịch bùng phát trong bối cảnh nhu cầu đối với một số loại hàng hóa vẫn mạnh hơn khả năng sản xuất.

Lạm phát đang tăng cao ở nhiều nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và xung đột quân sự Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: AFP
Lạm phát đang tăng cao ở nhiều nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và xung đột quân sự Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: AFP

Tại khu vực Mỹ - Âu và các nền kinh tế tiên tiến, 60% các quốc gia có tỷ lệ lạm phát hàng năm trên 5%, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. Đây là tỷ lệ lớn nhất kể từ những năm 1980 và là một vấn đề nghiêm trọng đối với các ngân hàng trung ương, vốn thường đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2%.

Theo CNBC, lạm phát của Vương quốc Anh trong tháng 3/2022 đã tăng lên mức 7% và ví tiền của người tiêu dùng nước này bị bóp nghẹt vì giá thực phẩm và năng lượng tiếp tục tăng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tại Anh đã tăng 1,1% so với tháng trước, vượt xa dự đoán tăng 0,7% mà các chuyên gia kinh tế nêu với Reuters. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số CPI tháng 3 đã tăng 7%, mức cao nhất kể từ tháng 3/1992 và vượt xa mức 6,2% trong tháng 2/2022.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất trong 3 cuộc họp chính sách tiền tệ liên tiếp từ mức thấp kỷ lục 0,1% lên 0,75%. Cơ quan này đang tìm cách đối phó với lạm phát mà không cản trở tăng trưởng kinh tế.

Không riêng Vương quốc Anh, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng phải "cân não" khi điều chỉnh chính sách tiền tệ sao cho cân đối giữa việc kiềm chế lạm phát và kích thích tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh sức phục hồi của các nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 đang chậm lại do căng thẳng Nga-Ukraine.

Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lạm phát cũng tăng lên 7,5% vào tháng 3/2022, từ 5,9% của tháng trước đó. Giá năng lượng cao hơn là nguyên nhân chính. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra kế hoạch chấm dứt chương trình mua trái phiếu mở rộng để mở đường cho việc tăng lãi suất, bởi vì "lạm phát ngày càng lan ra trên diện rộng và dai dẳng hơn”.

Trong khi đó, theo trang Market Watch, tỷ lệ lạm phát hằng năm của Đức trong tháng 3/2022 đã tăng với tốc độ nhanh hơn so với tháng trước đó, đạt mức cao nhất kể từ mùa thu năm 1981, theo dữ liệu chính thức do văn phòng thống kê Đức Destatis công bố ngày 12/4. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,3% so với năm ngoái theo tiêu chuẩn của Đức và tăng 7,6% so với năm ngoái theo các tiêu chuẩn hài hòa của Liên minh châu Âu.

Còn theo dữ liệu chính thức được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 12/4, chỉ số giá tiêu dùng của nước này đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1981. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% so với một năm trước đó, cao hơn mức dự báo 8,4% của Dow Jones. Đây là mức tăng giá chưa từng thấy kể từ thời kỳ lạm phát đình trệ diễn ra vào cuối những năm 1970, đầu thập niên 1980. Lạm phát cơ bản, tức không tính tới giá lương thực và năng lượng, tăng 6,5%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 8/1982.  Để “hạ nhiệt” lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 17/3 vừa qua đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018, và dự kiến sẽ tiếp tục có thêm các đợt nâng lãi suất khác trong năm nay và năm 2023.

"Chúng ta có thể đang ở trên đỉnh của một kỷ nguyên lạm phát mới", Agustín Carstens, người đứng đầu Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, nhận định, đồng thời lưu ý thêm rằng các yếu tố gây lạm phát có thể vẫn tồn tại thêm một thời gian.

Theo chiến lược gia thị trường toàn cầu Ambrose Crofton tại JPMorgan Asset Management, chiến sự tại Ukraine đã tạo ra cú sốc nguồn cung toàn cầu. Đáng nói, cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. "Ngoài những tác động rõ ràng mà cuộc xung đột gây ra cho giá năng lượng toàn cầu, Nga còn là nước xuất khẩu nhiều hàng hóa quan trọng như kim loại công nghiệp và phân bón. Chính vì vậy, giá hàng hóa và thực phẩm có thể tăng cao hơn nữa trong những tháng tới, tạo sức ép lớn cho người tiêu dùng" - chuyên gia Crofton cảnh báo.