Mỹ chống độc quyền trên toàn nền kinh tế, kiềm chế "bộ tứ công nghệ"

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà Trắng đang thực hiện một lệnh hành pháp chống độc quyền, nhằm thúc đẩy các cơ quan chính phủ xem xét mức độ ảnh hưởng từ các quyết định của họ đối với sự cạnh tranh trong các ngành công nghiệp của nước Mỹ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ.

Bộ tứ công nghệ Mỹ - Facebook, Google, Apple và Amazon. Ảnh: Reuters 

Reuters dẫn nguồn tin riêng cho biết, lệnh mới được đưa ra sau những phản ánh về tình trạng độc quyền của các công ty ở một loạt ngành khác nhau ở Mỹ, từ ngân hàng đến hàng không. Một động lực khác nữa là việc các nhà lập pháp Hạ viện hôm 11/6 đã đệ trình 5 dự luật chống độc quyền sâu rộng hơn, nhằm hạn chế quyền lực của "bộ tứ công nghệ" - Facebook, Google, Apple và Amazon - cũng như ngăn chặn sự hợp nhất của các công ty. Năm ngoái, tiểu ban chống độc quyền của Hạ viện Mỹ đã công bố một báo cáo sau cuộc điều tra kéo dài 16 tháng đối với riêng ngành công nghệ, tuyên bố rằng Amazon, Apple, Facebook và Google đã tham gia vào một loạt các hành vi độc quyền, khi lợi dụng việc nắm rõ dữ liệu người dùng để cung cấp thông tin và các dịch vụ quảng cáo sẵn sàng “dìm hàng” đối thủ, cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời thách thức kiểm duyệt thông tin sai lệch.

Các nguồn tin của Reuters cho biết, lệnh chống độc quyền hiện nay được xây dựng dựa trên một báo cáo năm 2016 của Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, và được thực hiện bởi các cựu quan chức chính quyền Barack Obama, đều là những người hiện đang làm việc cho Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden. Năm 2016, chính quyền cựu Tổng thống Obama đã ban hành một lệnh tương tự nhằm thúc đẩy các cơ quan hành pháp bảo vệ cạnh tranh, nhưng không mang lại kết quả. Trong khi đó, lệnh mới của chính quyền Biden được cho sẽ bao gồm chi tiết cụ thể về cách các cơ quan Chính phủ cần xem xét yếu tố cạnh tranh trong các thỏa thuận.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Emilie Simons không bình luận cụ thể về thông tin của Reuters, nhưng nhắc lại cam kết của ông Biden trong chiến dịch tranh cử Tổng thống rằng sẽ gia tăng cạnh tranh trong nền kinh tế Mỹ, bao gồm cả việc cấm các thỏa thuận bất công đối với người lao động. Nhà Trắng gần đây cũng bổ nhiệm những người ủng hộ cải cách chống độc quyền vào các vị trí chủ chốt. Đầu tháng này, Tổng thống Biden đã bổ nhiệm Lina Khan, một nhà phê bình "bộ tứ công nghệ" nổi tiếng, làm Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang. Trước đó, một nhà phê bình thẳng thắn khác là Tim Wu đã được bổ nhiểm làm trợ lý đặc biệt cho Tổng thống về chính sách cạnh tranh.

Các “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự trên khắp thế giới, trong đó Ủy ban châu Âu (EC) đã đi đầu trong việc thắt chặt các quy định chống độc quyền, buộc các công ty phải điều chỉnh lại mô hình kinh doanh. Đầu tháng 6 năm nay, EC và Cơ quan Thị trường và cạnh tranh của Anh (CMA) đã mở các cuộc điều tra chống độc quyền về việc Facebook thu thập và sử dụng dữ liệu người dùng trong thị trường quảng cáo trực tuyến.

Trước đó, EU đã buộc Alphabet - công ty mẹ của Google nộp phạt 8 tỷ euro (khoảng 9,7 tỷ USD), đồng thời tiến hành những điều tra tương tự đối với Amazon và Apple. Ở cấp độ quốc gia, tiêu biểu là trường hợp Tập đoàn Công nghiệp kỹ thuật số đại diện cho Google, Facebook, Twitter, Microsoft, Redbubble và TikTok tại Australia đã công bố Bộ Quy tắc thực hành mới về thông tin sai lệch, vào hôm 22/2 năm nay. Việc phát hành Bộ quy tắc này được thực hiện ngay sau khi Facebook chặn tin tức báo chí của Australia khỏi nền tảng của mình, hòng đáp trả Luật Trả phí truyền thông được đề xuất lên Thượng viện Australia nhằm buộc các công ty công nghệ phải trả tiền cho những nội dung tin tức được chia sẻ trên mạng xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần