Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ chưa thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết thúc cuộc điện đàm kéo dài 90 phút hôm 27/5 (giờ Mỹ), Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã chốt được một thỏa thuận sơ bộ về việc nâng trần nợ công.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP

"Tôi vừa nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống cách đây ít lâu. Sau nhiều tháng lãng phí thời gian… chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận về nguyên tắc, có ý nghĩa với người dân Mỹ" - ông McCarthy, nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa, viết trên Twitter cá nhân.

Những thông tin chi tiết về thỏa thuận cuối cùng vẫn chưa được công bố, nhưng theo nguồn tin riêng của Reuters, các nhà đàm phán đã chấp nhận giữ khoản chi tiêu quốc phòng ở mức ngân sách năm 2023 trong vòng 2 năm tới, để đổi lấy việc trần nợ công - hiện ở mức 31.400 tỷ USD - sẽ được nâng lên trong khoảng thời gian này.

Thỏa thuận cũng bao gồm việc thu hồi các khoản tiền liên quan đến Covid-19 chưa sử dụng, đẩy nhanh quy trình cấp phép cho một số dự án năng lượng cùng những yêu cầu bổ sung cho các chương trình hỗ trợ lương thực cho người Mỹ gặp khó khăn.

Hơn hết, thỏa thuận về trần nợ sẽ cho phép Bộ Tài chính Mỹ có thể tự do vay trong 2 năm tới trước khi một đợt nâng trần nợ công nữa cần được Quốc hội thông qua. Đây sẽ là chiến thắng quan trọng với đảng Dân chủ và đặc biệt là Tổng thống Biden, bởi nhà lãnh đạo Mỹ sẽ không phải đối mặt với cuộc chiến trần nợ mới trước khi tái tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 2.

Trong tuyên bố mới nhất hôm 27/5, Tổng thống Biden đã gọi thỏa thuận này là một bước tiến quan trọng, giữa bối cảnh nước Mỹ có nguy cơ vỡ nợ vào ngày 5/6 tới - thời điểm mà Chính phủ Washington được dự báo không còn khả năng thanh toán các hóa đơn. "Thỏa thuận cho thấy sự thỏa hiệp, nghĩa là không phải ai cũng đạt được điều họ muốn. Đó là trách nhiệm của giới chức lãnh đạo" - ông chủ Nhà Trắng nói.

Nhưng để thỏa thuận này có hiệu lực, những điều khoản vẫn cần phải được các nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thuộc hai viện Quốc hội thông qua, chuyển cho Tổng thống Biden ký thành luật trước ngày 5/6. Đây được cho sẽ là gánh nặng mới với cả lãnh đạo hai đảng tại Hạ viện.

Theo CNN, các yêu cầu mới đối với một số chương trình an sinh xã hội vẫn là bế tắc khó giải quyết nhất. Đảng Cộng hòa đã thể hiện lập trường quyết liệt khi cho rằng những người thụ hưởng các chương trình hỗ trợ của Chính phủ cần bị giới hạn. Thỏa thuận hôm 27/5 được cho sẽ đặt ra những giới hạn mới về những người nhận được tem phiếu thực phẩm là những người dưới 54 tuổi và không có con cái. Tuy nhiên, các thành viên đảng Dân chủ coi ý tưởng này là một cuộc tấn công nhằm vào người nghèo.

Một phân tích của New York Times về giới hạn chi tiêu trong thỏa thuận này cũng chỉ ra, việc Quốc hội Mỹ sẽ chỉ giảm chi tiêu liên bang khoảng 650 tỷ USD theo thỏa thuận mới là quá ít để giành được phiếu bầu của những người bảo thủ tại Hạ viện.

Ông McCarthy tuyên bố sẽ cho các thành viên Hạ viện 72 giờ để đọc dự luật trước khi đưa ra bỏ phiếu vào ngày 31/5. Một phụ tá của đảng Dân chủ nói với CNN, Nhà Trắng có kế hoạch họp báo với các đảng viên đảng Dân chủ vào ngày 28/5. Thỏa thuận cũng sẽ cần ít nhất 9 phiếu bầu của đảng Cộng hòa để được thông qua tại Thượng viện.

Để thấy, áp lực đối với các nhà đàm phán ngày càng lớn, khi nền kinh tế số 1 thế giới vẫn chưa thoát khỏi con đường dẫn đến bờ vực vỡ nợ. Tương tự các cảnh báo từ giới chuyên gia, thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng thừa nhận một kịch bản Mỹ vỡ nợ sẽ là rất thảm khốc, kéo theo hàng loạt rủi ro khác như hàng triệu người thất nghiệp, trợ cấp hưu trí bị ảnh hưởng và một cuộc suy thoái kinh tế khiến thị trường thế giới cũng chao đảo.