Mỹ chuẩn bị cho kịch bản xấu

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà Trắng đã yêu cầu các cơ quan liên bang sẵn sàng cho kịch bản đóng cửa Chính phủ sau khi các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ vẫn chưa đồng ý thông qua thỏa thuận về ngân sách, một tuần trước hạn chót 30/9.

Các nhà lập pháp tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ có thời hạn tới nửa đêm 30/9 - ngày kết thúc năm tài chính 2023 - để đạt thỏa thuận về một số dự luật phân bổ ngân sách, trước khi nguồn tiền cho các dịch vụ công của Chính phủ Mỹ cạn kiệt.

"Nếu các nhân viên liên bang không được trả lương thì đó là lỗi của đảng Cộng hòa" - Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre trả lời báo giới hôm 22/9 - "Thông điệp của chúng tôi là: Điều này không được phép xảy ra. Việc của họ là duy trì hoạt động của các chương trình thiết yếu, đặc biệt là hoạt động của Chính phủ".

Tại Mỹ, việc đóng cửa Chính phủ xảy ra khi Quốc hội không thể thông qua một số luật ngân sách liên bang do Tổng thống ký. Các nhà lập pháp có nhiệm vụ phải thông qua 12 dự luật chi tiêu khác nhau để cấp kinh phí cho các cơ quan trong Chính phủ, nhưng quá trình này rất tốn thời gian. Hạ viện và Thượng viện có thể sẽ phải cân nhắc một đề xuất ngắn hạn để các nhà làm luật có thêm thời gian đàm phán.

Trước đây, Chính phủ Mỹ từng phải đóng cửa tạm thời một vài lần, bao gồm giai đoạn đóng cửa kéo dài 35 ngày từ cuối năm 2018 tới đầu năm 2019, khi Quốc hội Mỹ và chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump không thống nhất được ngân sách chi tiêu vì bất đồng về vấn đề xây tường biên giới. Đây là lần đóng cửa Chính phủ dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Nếu không có luật ngân sách nào được ban hành vào ngày 1/10 tới, các cơ quan liên bang sẽ phải dừng toàn bộ công việc không thiết yếu và sẽ không trả tiền lương trong thời gian Chính phủ đóng cửa. Mặc dù các nhân viên được coi là thiết yếu như kiểm soát viên không lưu và nhân viên thực thi pháp luật vẫn phải đến làm việc, nhưng các nhân viên liên bang khác sẽ bị cho nghỉ việc tạm thời và sẽ chỉ nhận được tiền truy lĩnh sau khi tình trạng bế tắc về tài chính được giải quyết.

"Lần trước khi Chính phủ đóng cửa, 800.000 người Mỹ đã phải nghỉ việc hoặc làm việc không lương" - Tổng thống Biden cho biết trong một thông báo trên trang mạng xã hội X. Ông Biden trước đó cũng đổ lỗi cho phe Cộng hòa, những người muốn cắt giảm chi tiêu của Chính phủ nhiều hơn nữa so với thỏa thuận nới trần nợ công đã đạt được hồi tháng 6.

Trong khi các nhà lập pháp đã cảnh báo việc Chính phủ Mỹ đóng cửa có thể làm rung chuyển thị trường tài chính, Goldman Sachs ước tính kịch bản này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế 0,2% mỗi tuần ngưng trệ. Sau 5 tuần đóng cửa một phần hồi năm 2018 - 2019, Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính nền kinh tế Mỹ đã thiệt hại khoảng 3 tỷ USD ngay cả khi mọi thứ trở lại bình thường.

Ngoài ra, đây được cho cũng sẽ là kịch bản gây ra tổn thất chính trị đáng kể cho Tổng thống Biden - người đang tái tranh cử cho cuộc đua năm 2024. Nhà Trắng đã kỳ vọng bất kỳ dự luật ngân sách nào được các nhà lập pháp thông qua cũng sẽ bao gồm 24 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine.

Đây là lần thứ hai chỉ trong vài tháng, nền kinh tế hàng đầu thế giới gặp phải bế tắc tài chính. Trước đó, vào tháng 6, nước Mỹ đã tránh được tình trạng vỡ nợ sau khi Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt thỏa thuận sơ bộ về nới trần nợ công ngay trước hạn chót ngày 5/6 - thời điểm Bộ Tài chính Mỹ dự báo quốc gia này sẽ vỡ nợ.