Nước Mỹ hiện đang phải “vật lộn” để giữ vị trí dẫn đầu trên thị trường điện hạt nhân toàn cầu trong bối cảnh nhiều nhà máy điện hạt nhân sắp phải ngừng hoạt động, cùng việc đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về nguồn cung khí đốt tự nhiên dồi dào và giá rẻ.
Trong bài viết trên tờ CNBC, các thượng nghị sĩ Mike Crapo và Sheldon Whitehouse nói rằng ngành năng lượng Mỹ cần phải tiếp tục giữ vững vị trí đạt được trong nhiều năm qua là nhà sản xuất năng lượng hạt nhân hàng đầu trên toàn cầu.
Nga và Trung Quốc chiếm hơn 60% số lượng các nhà máy điện hạt nhân mới đang được xây dựng trên toàn thế giới. Ảnh: RT |
Các nhà lập pháp Mỹ cho rằng việc hồi sinh lĩnh vực năng lượng hạt nhân và phát triển các lò phản ứng mới và tiên tiến không chỉ góp phần nâng cao năng lực sản xuất năng lượng sạch ở Mỹ, việc này còn giúp Washington tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu trên thị trường năng lượng hạt nhân toàn cầu.
Theo các nhà lập pháp Mỹ, nếu Washingon không khẳng định vai trò là nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực này, những quốc gia khác đang sẵn sàng thay thế. “Nga và Trung Quốc hiện chiếm hơn 60% số lượng các nhà máy điện hạt nhân mới đang được xây dựng trên toàn thế giới”, Thượng nghị sĩ Crapo và Whitehouse cho hay.
Theo các thượng nghị sĩ này, trước những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu và các mối đe dọa an ninh địa chính trị và quốc gia, chính quyền Mỹ sẽ không chấp nhận việc các quốc gia đối thủ sẽ quyết định “bức tranh” năng lượng hạt nhân toàn cầu.
“Tại Mỹ, các nhà máy điện hạt nhân chịu áp lực cạnh tranh từ giá khí đốt thấp, sản xuất điện tái tạo và tăng trưởng hạn chế về nhu cầu điện nói chung”, Tổ chức Năng lượng quốc tế (EIA) cho biết hồi tháng 5 năm ngoái và lưu ý rằng tương lai của điện hạt nhân sẽ phụ thuộc vào giá khí đốt tự nhiên và các chính sách carbon tiềm năng.
Theo dữ liệu của EIA, sản xuất điện hạt nhân trong năm 2018 chiếm 19,3% tổng sản lượng điện quy mô tiện ích của Mỹ. Sản xuất điện từ khí đốt tự nhiên chiếm tỷ lệ cao nhất với 35,1%, tiếp đến là than với 27,4% và đứng cuối là năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện với tỷ lệ chiếm 17,1%.
Báo cáo công bố trong tháng 3/2019 của EIA cho biết, dù một số nhà máy điện hạt nhân đã đóng cửa từ năm 2010, nhưng sản xuất điện hạt nhân của Mỹ trong năm ngoái đã lập kỷ lục kể từ năm 2010, do một số nhà máy đã tăng cường để tăng công suất phát điện.
Tuy nhiên, kỷ lục sản xuất điện hạt nhân ghi nhận trong năm 2018 khó có thể được tái lập trong những thập kỷ tới, bởi ngành năng lượng Mỹ dự kiến sẽ chỉ đưa vào hoạt động mới 2 lò phản ứng trong tương lai, lần lượt nhà máy điện hạt nhân Georgia Vogussy 3 và 4 trong năm 2021 và 2022.
EIA cho biết, công suất từ 2 lò phản ứng hạt nhân mới này sẽ không thể bù đắp được sản lượng điện thiếu hụt do Mỹ phải đóng cửa 12 lò phản ứng vào năm 2025 theo kế hoạch công bố trước đó.
Theo 2 Thượng nghị sĩ Crapo và Whitehouse, nguồn thay thế ngay lập tức cho điện hạt nhân trong nguồn cung năng lượng của Mỹ có thể là nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là khí tự nhiên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiên liệu hóa thạch sẽ nhiều hơn, ít năng lượng sạch hơn và sẽ là một bước lùi lớn trong việc giảm phát thải gây biến đổi khí hậu, theo các nhà lập pháp Mỹ.
Trong một báo cáo mang tên “Vai trò lãnh đạo năng lượng hạt nhân của Mỹ: Sáng kiến và Thách thức chiến lược toàn cầu” công bố trong tuần này, 2 Thượng nghị sĩ Crapo và Whitehouse đã nhấn mạnh: “Trên thị trường năng lượng hạt nhân toàn cầu, Mỹ cũng phải khẳng định được vai trò lãnh đạo của mình trong công nghệ sản xuất điện hạt nhân”.
Báo cáo này nêu rõ: “Vị trí cường quốc thế giới về sản xuất điện hạt nhân của Mỹ đang bị lung lay và đang đối mặt khó khăn do việc phải liên tục đóng cửa liên tục và ngừng hoạt động trước thời hạn của các nhà máy điện hạt nhân trong nước, sự suy giảm khả năng chu trình nhiên liệu hạt nhân trong nước trong khi bị cạnh tranh khốc liệt từ các chương trình năng lượng hạt nhân đầy tham vọng của Nga và Trung Quốc”.
Các nhà lập pháp Mỹ cũng đề xuất ngành năng lượng nên mở rộng lĩnh vực công nghiệp hạt nhân dân sự, hỗ trợ nghiên cứu công nghệ mới, khuyến khích và tạo điều kiện cho xuất khẩu.