Mỹ cùng đồng minh: Chưa hết lo, còn trả giá

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ cùng đồng minh vẫn phải quan ngại sâu sắc, chưa hết lo âu thật sự khi địch thủ chính của họ trong khu vực là Iran không ngừng mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Iraq cũng như tăng cường vai trò chính trị an ninh ở khu vực.

Trong những ngày này, chuyến đi Iraq của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Bộ trưởng Ngoại giao Đức mới chỉ là những động thái chính trị, ngoại giao đầu tiên của các nước thuộc khối phương Tây vào dịp 20 năm ngày các nước này dưới sự dối lừa, dẫn dắt của Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh ở Iraq.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) trong chuyến thăm bất ngờ đến Iraq. Ảnh: REUTERS
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) trong chuyến thăm bất ngờ đến Iraq. Ảnh: REUTERS

Trên danh nghĩa chính thức, họ đã kết thúc cuộc chiến tranh ấy từ cách đây khá lâu và đặt mọi hoạt động quân sự của họ ở Iraq dưới tiêu đề "cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)".

Cả cuộc chiến này cũng đã được họ tuyên bố kết thúc với phần thắng thuộc về phe họ. Ngoài số khoảng 2.500 binh lính hiện còn được triển khai ở Iraq ra, Mỹ đã rút hết quân đội ra khỏi Iraq. Hai thập kỷ qua, Mỹ và đồng minh đã trả giá đắt về con người cũng như tiền của, về uy danh, vị thế cho cuộc chiến tranh này ở Iraq.

Sau hai thập kỷ, phe này vẫn còn tiếp tục phải trả giá ở Iraq bởi chưa hết quan ngại và lo âu sâu sắc về nguy cơ xôi hỏng bỏng không ở Iraq.

IS tuy đã bị đập tan nhưng phiến quân lẻ tẻ của IS vẫn còn là mối đe dọa tiềm tàng, thách thức an ninh rất thực tế đối với chính thể hiện tại ở Iraq, đối với an ninh, ổn định ở cả khu vực Trung Đông và vùng Vịnh cũng như đối với chính Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ ở trong và ngoài khu vực.

Mỹ cùng đồng minh vẫn phải quan ngại sâu sắc, chưa hết lo âu thật sự khi địch thủ chính của họ trong khu vực là Iran không ngừng mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Iraq cũng như tăng cường vai trò chính trị an ninh ở khu vực.

Phe này phải tiếp tục đổ của và vũ khí vào Iraq, chống lưng cho chính thể hiện tại ở Iraq về mọi phương diện để nước này không bị lôi cuốn vào quỹ đạo ảnh hưởng của Iran.

Đối với phe này, buông bỏ Iraq thì không thể được nhưng để duy trì những gì đã đạt được trong hai thập kỷ qua ở Iraq thì lại phải tiếp tục trả giá mà không biết sẽ còn phải trả giá đắt như thế nào và đến tận bao giờ.