Dừng xem xét dỡ bỏ một số thuế quan với hàng Trung Quốc?
Các nguồn tin tiết lộ với Reuters hôm 11/8 rằng việc Trung Quốc tiến hành tập trận nhiều ngày gần đây quanh hòn đảo Đài Loan đã buộc chính quyền Tổng thống Joe Biden cân nhắc lại khả năng dỡ bỏ một số thuế quan với hàng hóa Trung Quốc, thậm chí có thể áp đặt thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu từ Bắc Kinh.
Chính quyền Biden đang xem xét nới lỏng một số mức thuế đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Nguyên nhân là lạm phát tăng nhanh, buộc chính phủ Mỹ tìm cách hạ nhiệt giá hàng hóa tiêu dùng. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, một số thuế quan áp lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump "không có mục đích chiến lược," trong khi làm tăng chi phí cho người tiêu dùng.
Theo các nguồn tin trên, Mỹ cân nhắc lại chính sách thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc để không làm leo thang căng thẳng với Bắc Kinh.
Trước đó, phản đối chuyến thăm Đài Loan vào tuần trước của bà Pelosi, hôm 5/8, Trung Quốc tuyên bố áp lệnh trừng phạt chủ tịch Hạ viện Mỹ cùng gia đình, "căn cứ theo các quy định pháp luật liên quan của Trung Quốc".
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tuyên bố tập trận chuỗi 4 ngày chưa từng có. Hôm 10/8, Bắc Kinh cho biết quân đội nước này đã hoàn thành nhiệm vụ xung quanh Đài Loan, nhưng sẽ tiếp tục thường xuyên tuần tra quanh hòn đảo.
"Tôi nghĩ căng thẳng liên quan đến vấn đề Đài Loan đã làm thay đổi mọi thứ," một nguồn tin tiết lộ với Reuters.
Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Saloni Sharma hôm 10/8 cho biết Tổng thống Biden chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến chính sách thuế quan với hàng hóa Trung Quốc trước các sự kiện ở eo biển Đài Loan. "Người duy nhất sẽ đưa ra quyết định về vấn đề này là Tổng thống Mỹ và ông Biden sẽ làm tất cả những gì đem lại lợi ích cho người Mỹ," bà Sharma nói trong bài phỏng vấn với Bloomberg TV.
Phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Căng thẳng địa chính trị gần đây giữa Washington và Bắc Kinh liên quan đến vấn đề Đài Loan đã làm giới chức Mỹ “đau đầu” trong việc xem xét chính sách thuế quan với Trung Quốc.
Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói rằng quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước đối mặt với những thách thức "nghiêm trọng". "Chuyến thăm đảo Đài Loan của bà Pelosi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền tảng chính trị của mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ và chắc chắn sẽ gây ra sự gián đoạn lớn đối với trao đổi và hợp tác giữa hai bên" - người phát ngôn Liu Pengyu tiết lộ trong email gửi cho Reuters.
Theo hai nguồn tin tiết lộ với Reuters, sau khi thông báo sẽ xem xét loại bỏ một số thuế quan với hàng hóa Trung Quốc, Nhà Trắng mong muốn nhận được một phản ứng “có đi có lại” từ Bắc Kinh, song hiện chưa nhận được câu trả lời của Trung Quốc về vấn đề này.
Một trong những nguồn tin cho biết, chính phủ Mỹ sẽ tạm hoãn việc đơn phương dỡ bỏ một số thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, một phần do Bắc Kinh không thể hiện bất kỳ sự sẵn sàng nào để thực hiện các hành động “có đi có lại” hoặc đáp ứng các cam kết trong thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung "Giai đoạn 1".
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc, đạt được vào cuối năm 2019 dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, yêu cầu Bắc Kinh mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong năm 2020 và 2021, bao gồm mặt hàng năng lượng và nông nghiệp.
Tuy nhiên, phía Mỹ cho biết Trung Quốc đã không thực hiện đầy đủ các cam kết này, bao gồm việc tăng nhập khẩu hàng hóa sản xuất của Mỹ trong hai năm lên 77,7 tỷ USD, bao gồm máy bay, máy móc, phương tiện và dược phẩm.
Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Trung Quốc không tuân thủ đúng cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ. Phía Bắc Kinh nói rằng việc không thực hiện đúng cam kết trong thỏa thuận thương mại là do ảnh bởi đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, các nhóm công đoàn do United Steelworkers dẫn đầu đã kêu gọi Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ giữ nguyên mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc để giúp "san bằng sân chơi" cho người lao động tại Mỹ và giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp của Bắc Kinh.