Mỹ hồi đáp yêu cầu an ninh của Nga khi khủng hoảng Ukraine leo thang

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ tuyên bố để ngỏ biện pháp ngoại giao để giải quyết những quan ngại an ninh của Nga ở Đông Âu. Trong khi đó, Moscow vừa tổ chức các cuộc đàm phán an ninh với các nước phương Tây nhằm hạ nhiệt căng thẳng Nga-Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Theo Reuters, ngày 26/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo Mỹ đã gửi văn bản hồi đáp đề xuất an ninh của Nga, bước đi quan trọng nhằm giảm căng thẳng Ukraine. Ngoại trưởng Blinken cho biết văn bản hồi đáp được Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan trực tiếp gửi đến Bộ Ngoại giao Nga hôm 26/1, trong đó đề cập tới những lo ngại an ninh của Moscow và thể hiện ý kiến của Washington và đồng minh.

Theo Ngoại trưởng Blinken, động thái này sẽ mở đường cho những hoạt động ngoại giao nghiêm túc trong thời gian tới, nhấn mạnh Mỹ luôn sẵn sàng đối thoại. "Đưa mọi thứ vào văn bản là cách tốt để bảo đảm chúng tôi thể hiện quan điểm chính xác nhất có thể, cũng như để Nga hiểu rõ ý định của chúng tôi. Tài liệu đã được chuyển đến Moscow và quyền quyết định bước đi tiếp theo sẽ thuộc về phía Nga", ông Blinken nói thêm.

Bộ trưởng Blinken cũng lưu ý yêu cầu NATO rút lực lượng khỏi Đông Âu và ngăn Ukraine gia nhập liên minh là không thể thực hiện, nhưng cho biết có thể sẽ thảo luận những yêu cầu khác như kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tuyên bố Moscow sẽ đánh giá kỹ hồi đáp của Mỹ. "Các đối tác của Nga đã nghiên cứu những đề xuất an ninh tới gần một tháng rưỡi", ông trả lời hãng tin Interfax khi được hỏi Moscow sẽ mất bao lâu để xem xét phản hồi từ Mỹ.

The Guardian đưa tin NATO cùng ngày cũng bày tỏ phản ứng riêng của mình với Moscow hôm 26/1, trong đó thông điệp về vấn đề quyền theo đuổi tư cách thành viên của Ukraine cũng tương tự Mỹ. “NATO là một liên minh phòng thủ và chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu, song chúng tôi sẽ không thỏa hiệp về các giá trị mà liên minh của chúng tôi đã đặt ra”, Tổng thư ký Jens Stoltenberg nói với các phóng viên.

Tổng thư ký Stoltenberg cho biết quyền quyết định tùy thuộc vào 30 quốc gia thành viên thành lập NATO về việc khi nào và có nên kích hoạt Lực lượng phản ứng NATO (NRF) hay không. Đây là một kế hoạch dự phòng nhằm củng cố sườn phía đông của liên minh trong trường hợp Nga có những động thái gây căng thẳng.

Nếu NRF được kích hoạt, 8.500 lính Mỹ đang trong tình trạng báo động cao độ sẽ được triển khai tới châu Âu. Trước đó, Ngoại trưởng Biden đã nói rõ rằng không có binh sĩ Mỹ nào sẽ được điều động đến Ukraine.

Những phản ứng trên được đưa ra giữa lúc các phái đoàn của Nga và Ukraina nhóm họp ở Paris cùng các quan chức của Pháp và Đức, trong một nỗ lực ngoại giao mới nhất nhằm làm giảm tình hình căng thẳng tại khu vực. Các cuộc hội đàm quy tụ quan chức hàng đầu của Điện Kremlin về Ukraine, Dmitry Kozak và Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy.

Kết thúc cuộc họp, bốn nước đã ra tuyên bố chung ủng hộ việc “tuân thủ vô điều kiện lệnh ngừng bắn” và đồng ý gặp lại nhau sau 2 tuần nữa tại Berlin (Đức).

Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, Nga đã gửi đến Mỹ đề xuất an ninh 8 điểm. Trong đó, Nga yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước gia nhập liên minh sau năm 1997, gồm Ba Lan, Estonia, Litva, Latvia và các nước vùng Balkan. Moscow cũng muốn NATO ngừng mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine vào khối và không diễn tập tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á và các nước vùng Kavkaz nếu chưa có sự đồng thuận từ Nga.

Căng thẳng bắt đầu từ hồi tháng 11/2021, khi phương Tây cáo buộc Nga điều khoảng 100.000 binh sĩ áp sát biên giới Ukraine với kế hoạch tiến đánh nước này. Tuy nhiên, Moscow bác cáo buộc và khẳng định mọi động thái đều nhằm tự vệ. Các cuộc hội đàm an ninh giữa Nga và Mỹ trong tháng này đã không thể xoa dịu căng thẳng, dù hai bên nhất trí tiếp tục thảo luận.