Mỹ khẳng định viện trợ quân sự cho Ukraine không hề bị "lạm dụng"

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các quan chức Lầu Năm Góc hôm 28/2 khẳng định không có bằng chứng nào về việc Ukraine lạm dụng hàng chục tỷ USD viện trợ kể từ khi Nga tấn công Ukraine.

Việc này được đặt dưới sự giám sát chưa từng có của các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa ở Washington. 

Lính Ukraine bắn lựu pháo vào các vị trí của Nga ở vùng Donbas của Ukraine. Ảnh: Nytimes. 
Lính Ukraine bắn lựu pháo vào các vị trí của Nga ở vùng Donbas của Ukraine. Ảnh: Nytimes. 

Hơn một nửa trong số 50 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev kể từ khi cuộc chiến nổ ra đến từ Mỹ – dấy lên chỉ trích từ một số chính trị gia, bao gồm 11 thành viên Cộng hòa, yêu cầu chấm dứt viện trợ cho Ukraine.

Các thành viên của Ủy ban Cung ứng Vũ trang Hạ viện đã chất vấn Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách Chính sách Colin Kahl và hai quan chức khác trong phiên điều trần được tổ chức sau khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát hạ viện của Quốc hội vào đầu năm nay.

Liên quan đến viện trợ quân sự Ukraine, Tiến sĩ Kahl khẳng định: “Không có bằng chứng nào cho thấy Ukraine đang chuyển [số viện trợ này] sang thị trường chợ đen". 

“Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên với cường độ của cuộc chiến và thực tế là Kiev đang sử dụng những gì chúng ta cũng như các đồng minh và đối tác đang cung cấp để đạt hiệu quả tối đa".

Giám sát "chưa từng có"

Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Robert Storch, nói với ủy ban rằng có "một số lượng đáng kể" nhân sự giám sát sứ mệnh tiếp tế và huấn luyện cho Ukraine.

Ông Storch cho biết bộ này chưa chứng minh được bất kỳ trường hợp nào mà vũ khí được cung cấp cho Ukraine, như tên lửa Stinger, bị chuyển hướng trái phép.

Trong phiên điều trần trước Hạ viện, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Pat Ryder cũng khẳng định chưa thấy “bất kỳ bằng chứng nào về bất kỳ hình thức chuyển hướng lớn nào đối với bất kỳ sự hỗ trợ nào từ Washington". 

Mỹ đi đầu trong việc thúc đẩy hỗ trợ quốc tế cho Ukraine, nhanh chóng thành lập một liên minh quốc tế để hỗ trợ Kiev sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022 và điều phối viện trợ từ hàng chục quốc gia.

Mặc dù Washington hứa hẹn cung cấp nhiều hệ thống vũ khí cho Kiev nhưng lại không cung cấp máy bay chiến đấu F-16 mà Ukraine yêu cầu – một vấn đề đã được đưa ra nhiều lần trong phiên điều trần.

Tiến sĩ Kahl cho biết làm như vậy sẽ mất đến 18 tháng, tiêu tốn hàng tỷ USD, mà lẽ ra nên được sử dụng cho các nhu cầu cấp bách hơn.

Máy bay phản lực là ưu tiên của Ukraine, nhưng không thuộc tốp ba ưu tiên hàng đầu của Kiev là phòng không, pháo binh và xe bọc thép.

Các quan chức Mỹ đã nhiều lần tuyên bố rằng Washington sẽ ủng hộ Ukraine “chừng nào còn cần thiết” và Tiến sĩ Kahl nói rằng điều đó có thể đồng nghĩa là nhiều năm. “Cuộc xung đột có thể kết thúc trong sáu tháng kể từ bây giờ, nó có thể kết thúc trong hai năm kể từ bây giờ hoặc ba năm kể từ bây giờ".