Giá khí đốt tại châu Âu biến động mạnh trong phiên giao dịch ngày 24/11 sau khi Mỹ thông báo áp lệnh trừng phạt mới với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 và tập đoàn dầu khí Gazprom cảnh báo cắt nguồn cung khí đốt cho Moldova.
Theo dữ liệu của sàn ICE, trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá khí đốt tại châu Âu nhảy vọt lên mức 1.080 USD/1.000 m3.
Giá hợp đồng khí đốt giao tháng 12 tại trung tâm TTF ở Hà Lan giao dịch ở mức 1.082/1.000 m3 (tương đương 93 euro/MWh), tăng 2% so với phiên trước đó.
Trước đó, hôm 22/11, người phát ngôn của tập đoàn dầu khí Nga Gazprom - ông Sergey Kupriyanov, xác nhận Moldova đã không thanh toán tiền khí đốt đúng hạn. Ông Kupriyanov cảnh báo rằng Gazprom có thể ngừng cung cấp khí đốt cho Moldova trong vòng 48 giờ
Giá mặt hàng này đã tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 23/11 sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhất nhằm vào tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) của Nga, một động thái mà Điện Kremlin cho là “bất hợp pháp”. Chốt phiên giao dịch ngày 23/11, giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt 8,7% lên 91,34 Euro/MWh.
Ngày 22/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nộp một báo cáo lên Quốc hội để thực hiện lệnh trừng phạt nhằm vào dự án Nord Stream 2. Báo cáo này nêu tên 2 tàu và 1 thực thể có liên hệ với Nga là Transadria Ltd, liên quan đến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.
Phản ứng với quyết định mới nhất của Washington, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 23/11 nói rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 là một minh chứng rõ ràng cho thấy những biện pháp đơn phương và mang động cơ chính trị của các nước phương Tây.
Giá khí đốt tại châu Âu trong tuần trước đã leo dốc 15% sau khi Đức xác nhận ngừng quá trình phê duyệt Nord Stream 2. Cơ quan Quản lý năng lượng Đức (Bundesnetzagentur) hôm 16/11 cho biết Berlin không thể phê duyệt Dòng chảy Phương Bắc 2 như một nhà vận hành độc lập bởi công ty vận hành dự án này có trụ sở ở Thụy Sĩ thay vì Đức.
Việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 đã được hoàn thành vào 10/9/2021. Theo kế hoạch ban đầu, lẽ ra nó sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2019 nhưng sau đó đã bị trì hoãn do các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Khoảng 40% khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu từ Nga. Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết có thể giúp giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của châu Âu khi các cơ quan quản lý của Đức cho phép khí đốt bắt đầu chảy qua Dòng chảy Phương Bắc 2.
Nga đã bơm khí đốt thông qua Dòng chảy Phương Bắc 1 với khả năng mang theo 55 tỷ mét khối. Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ tăng gấp đôi khối lượng đó và biến Đức trở thành trung tâm phân phối khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Âu./.