Chỉ số, được công bố hôm 9/10, lấy bối cảnh cạnh tranh của nền kinh tế và đo lường các yếu tố như sự ổn định kinh tế vĩ mô, cơ sở hạ tầng, thị trường lao động và khả năng đổi mới...
Theo đó, Singapore đã đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới xuống vị trí thứ 2 trong năm nay, khi quốc gia châu Á đạt điểm cao nhất về cơ sở hạ tầng, y tế, thị trường lao động và hệ thống tài chính.
Tuy nhiên theo báo cáo của WEF, dù thua Singapore, Mỹ vẫn là "một cường quốc đổi mới".
Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá, Singapore và Việt Nam đã có màn trình diễn mạnh mẽ trong năm nay, một phần do cuộc chiến thương Mỹ - Trung. Việt Nam tăng 10 điểm so với năm ngoái để xếp thứ 67/137 quốc gia.
Thực tế, chiến tranh thương mại chưa hẳn là một "chiến thắng" quá rõ ràng với Singapore - quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và xem Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của mình. Singapore đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP trong tháng 8, sau khi báo cáo sự sụt giảm lớn trong hoạt động kinh tế quý II năm nay. Nước này đang đối mặt với sự tăng trưởng hàng năm yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Hồng Kông (Trung Quốc), Hà Lan và Thụy Sĩ lọt vào top 5. Hồng Kông đã tăng 4 điểm so với báo cáo năm ngoái, bất chấp cuộc khủng hoảng chính trị gây thiệt hại cho nền kinh tế của khu vực này, khi nhận được điểm số cao về sự ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính, nhưng không đạt được khả năng đổi mới.
"Căng thẳng thương mại và địa chính trị đang thúc đẩy sự không chắc chắn trên toàn thế giới", tài liệu của WEF cảnh báo, "những điều này kìm hãm đầu tư và làm tăng một số nguy cơ: Gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, đột biến giá hoặc gián đoạn trong các nguồn lực sẵn có".