Theo hãng tin Reuters, một quan chức cấp cao Mỹ hôm 25/5 cho biết Washington sẽ đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) bỏ phiếu trong vài ngày tới nhằm gia tăng trừng phạt Bình Nhưỡng sau khi nước này bị nghi thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc được dự đoán sẽ dùng quyền phủ quyết trong cuộc bỏ phiếu.
Mỹ tháng trước đã lưu hành một dự thảo nghị quyết tại Hội đồng bảo an LHQ về gia tăng trừng phạt Triều Tiên. Mỹ hiện đang là chủ tịch Hội đồng bảo an trong tháng 5/2022.
Theo giới chức Mỹ, dự thảo nghị quyết này nhằm tiếp tục hạn chế năng lực thúc đẩy chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt phi pháp của Triều Tiên. Văn bản này cũng bao gồm mở rộng lệnh cấm thử các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, hoặc bất kỳ hệ thống nào khác có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân.
Dự thảo nghị quyết cũng đề xuất cắt xuất khẩu dầu thô cho Triều Tiên từ 3 triệu xuống 1 triệu thùng mỗi năm và giảm xuất khẩu dầu tinh chế cho nước này từ 375.000 thùng xuống còn 125.000 thùng.
Dự thảo này cũng sẽ áp đặt lệnh đóng băng tài sản đối với nhóm hack Lazarus, đơn vị được Mỹ nói là do Tổng cục Trinh sát, một cơ quan tình báo do Triều Tiên kiểm soát. Lazarus đã bị cáo buộc liên quan đến các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền "WannaCry", tấn công các ngân hàng quốc tế cũng như các cuộc tấn công mạng nhắm vào Sony Pictures Entertainment hồi năm 2014.
Triều Tiên ngày 25/5 đã phóng 3 quả tên lửa, 1 trong số đó được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa lớn nhất của nước này. Động thái này diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thức chuyến công du châu Á.
Đại diện Nga tại LHQ Vassily Nebenzia hôm 25/5 nói với Reuters rằng ông sẽ xem xét dự thảo của Mỹ trước khi đưa ra bình luận.
Triều Tiên bị LHQ áp đặt trừng phạt từ năm 2006 và các lệnh trừng phạt này đã được gia tăng theo thời gian nhằm cắt đứt nguồn tài chính cho chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an LHQ siết chặt biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng gần đây nhất được tiến hành vào năm 2017, sau đó Bắc Kinh và Moscow đã thúc đẩy việc nới lỏng các biện pháp này vì lý do nhân đạo.