Mỹ nhiều khả năng rút khỏi một hiệp định thương mại nữa

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn tin của Reuterts cho hay, sau TPP, nhiều khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ sớm tuyên bố rút khỏi Hiệp định thương mại Bắc Mỹ (NAFTA).

Thị trường Bắc Mỹ lo ngại

Thông tin này càng phủ thêm nghi ngờ về triển vọng đàm phán sửa đổi NAFTA giữa Mexico, Canada và Mỹ. Các quan chức sẽ tổ chức vòng đàm phán thứ 6 tại Montreal (Canada) từ 23 - 28/1 nhằm thu hẹp các khác biệt.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ rút khỏi NAFTA.

Theo quy định, quyết định rút lui sẽ chỉ có hiệu lực sau 6 tháng kể từ khi Mỹ gửi thông báo bằng văn bản cho 2 thành viên còn lại là Canada và Mexico. Mexico trước đó đã nói rằng nước này cũng sẽ rút khỏi NAFTA nếu Washington bỏ cuộc. Một nguồn tin Chính phủ Canada cũng cho biết, nước này đã chuẩn bị phương án với mọi tình huống.

Tuy nhiên, thông tin này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ sụp đổ thị trường chung của 3 nền kinh tế Bắc Mỹ. Các chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall đồng loạt giảm điểm trong ngày 10/11, trong đó S&P 500 và Nasdaq ghi nhận phiên giảm điểm đầu tiên trong năm 2018. Trong khi đồng tiền của Canada suy yếu đến mức thấp nhất trong năm nay so với đồng bạc xanh.

Mike Archibald - quản lý hạng mục đầu tư liên kết tại Công ty AGF Investments ở Toronto, Canada cảnh báo, một viễn cảnh bất ổn nếu Mỹ rút khỏi NAFTA. Scott Minerd - Giám đốc Đầu tư toàn cầu tại Guggenheim Partners nhận định, nếu Tổng thống Trump chính thức tuyên bố rút khỏi NAFTA, thị trường chứng khoán có thể sẽ giảm ít nhất là 5%.

Đòn gió?

Thông tin được đưa ra ngay trước thời điểm nội các Thủ tướng Justine Trudeau bắt đầu cuộc họp kéo dài 2 ngày, trong đó bàn thảo về việc đàm phán NAFTA. Vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định, thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi NAFTA có thể là một chiến thuật đàm phán để đạt được một số nhượng bộ từ 2 quốc gia còn lại tham gia hiệp định. Dự kiến, các cuộc đàm phán sẽ kết thúc vào cuối tháng 3 năm nay.

Hiện tại, khúc mắc của vòng đàm phán là việc Canada và Mexico không chấp nhận yêu cầu của Mỹ về ô tô và các lĩnh vực khác để tái cân bằng thỏa thuận nhằm giảm thâm hụt thương mại. Theo chuyên gia về thương mại Gary Hufbauer tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, Mexico và Canada không thể chấp nhận yêu cầu của chính quyền Tổng thống Trump về ô tô và ý tưởng NAFTA tự động hết hạn nếu không được tái đàm phán sau 5 năm, hay việc hủy bỏ hệ thống giải quyết tranh chấp chủ yếu bảo vệ các nước này trước việc bị đánh thuế chống bán phá giá tại Mỹ.

Trong khi đó, theo một khảo sát của Cơ quan tín dụng xuất khẩu của Canada (EDA) mới công bố, gần 1/4 số DN xuất khẩu nước này cho rằng cuộc tái thương lượng căng thẳng về NAFTA đang ảnh hưởng đến các hoạt động của họ. EDA cho rằng các nhà xuất khẩu Canada có nhiều lý do để lo ngại. Khảo sát cho thấy, 23% số DN Canada cho biết họ có cảm nhận tiêu cực về các cuộc tái thương lượng về NAFTA. Trong tình hình hiện nay, 26% số DN đang lên kế hoạch thay đổi một phần hoạt động của họ; gần 25% số DN đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đầu tư ra ngoài Bắc Mỹ, trong khi 14% trì hoãn các kế hoạch đầu tư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần