Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ “nổi đóa” khi bị Fitch hạ bậc xếp hạng nợ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả Nhà Trắng và Bộ Tài chính Mỹ đều lên tiếng phản đối việc công ty xếp hạng tín dụng Fitch hạ xếp hạng nợ dài hạn của Mỹ từ AAA (bậc cao nhất) xuống AA+.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AP
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AP

Reuters trích dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 1/8 cho biết bà không đồng ý với việc hạ bậc xếp hạng của Fitch, đồng thời gọi động thái này là "tùy tiện và dựa trên dữ liệu lỗi thời”.

Nhà Trắng cũng có quan điểm tương tự khi khẳng định "hoàn toàn không đồng ý với quyết định này".

Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre, “việc hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ vào thời điểm Tổng thống Joe Biden đang cho thấy thành công trong nỗ lực phục hồi kinh tế so với bất cứ quốc gia nào nào trên thế giới là điều phi lý”.

Trước đó cùng ngày, công ty xếp hạng tín dụng Fitch đã quyết định hạ mức xếp hạng tín dụng của Chính phủ Mỹ.

Theo hãng tin Reuters, Fitch hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ từ mức AAA xuống AA+ với nguyên nhân nguy cơ tình hình tài chính suy thoái trong 3 năm tới và các cuộc đàm phán về trần nợ công lặp đi lặp lại đe dọa khả năng thanh toán các hóa đơn của chính phủ.

Trước mắt, Fitch dự định sẽ xem xét lại quyết định này vào quý III năm nay.

Quyết định của Fitch được đưa ra bất chấp việc Tổng thống Joe Biden và Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ 31.400 tỷ USD sau nhiều tháng bất đồng.

Trong thông báo đưa ra ngày 1/8, cơ quan xếp hạng tín dụng này nêu rõ: “Theo quan điểm của Fitch, nước Mỹ đã có sự sụt giảm dần về các tiêu chuẩn quản trị trong 20 năm qua, bao gồm cả các vấn đề tài chính và nợ, bất chấp thỏa thuận lưỡng đảng hồi tháng 6 về việc đình chỉ giới hạn nợ cho đến tháng 1/2025”.

Steven Ricchiuto, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại Mizuho Securities USA, cho biết: “Điều này về cơ bản cho bạn biết chi tiêu của chính phủ Mỹ có vấn đề."

Tác động hạn chế

Công ty xếp hạng tín dụng Fitch hạ xếp hạng nợ dài hạn của Mỹ từ AAA xuống AA+. Ảnh: Reuters
Công ty xếp hạng tín dụng Fitch hạ xếp hạng nợ dài hạn của Mỹ từ AAA xuống AA+. Ảnh: Reuters

Đây không phải lần đầu tiên một tổ chức xếp hạng tín nhiệm hạ xếp hạng của Mỹ. Trước đó, vào năm 2011, Standard & Poor’s cũng đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ xuống mức AA+ từ mức AAA, sau khi Washington tránh được kịch bản vỡ nợ.

Sau lần bị Standard & Poor’s hạ xếp hạng, chứng khoán Mỹ sụt giảm và tác động của việc hạ xếp hạng được cảm nhận trên khắp các thị trường chứng khoán toàn cầu.

Ngay sau thông báo của Fitch, đồng USD giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác, hợp đồng tương lai chứng khoán cũng đi xuống, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư và nhà phân tích nhận định tác động của việc bị Fitch hạ cấp xếp hạng nợ dài hạn đối với kinh tế Mỹ sẽ bị hạn chế.

Chuyên gia Ed Mills của Raymond James cho rằng thị trường sẽ không phản ứng nhiều với tin tức này. Ông nhận định “sự bảo đảm của chính phủ quan trọng hơn xếp hạng của Fitch”.

Cũng có quan điểm tương tự, ông Mohamed El-Erian, Hiệu trưởng trường Queens 'College, cho biết trong một bài đăng trên LinkedIn ngày 1/8 rằng: “Nhìn chung, quyết định này nhiều khả năng sẽ bị phớt lờ hơn là có tác động đột phá lâu dài đối với nền kinh tế và thị trường Mỹ”.

Trong khi đó, ông Keith Lerner, đồng giám đốc đầu tư của Truist Advisory Services, nhận định tác động của động thái bất ngờ này vẫn chưa chắc chắn. Tuy nhiên, “thị trường đang ở thời điểm dễ bị tổn thương trước những tin xấu”.

Hồi tháng 5, Fitch lần đầu cảnh báo Mỹ về khả năng bị hạ cấp tín dụng với lý do rủi ro giảm giá, bao gồm chính trị và gánh nặng nợ ngày càng tăng và tiếp tục duy trì quan điểm này trong tháng 6.

Hồi tháng 5 vừa qua, Fitch đã đưa Mỹ vào diện cần giám sát về nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm do rủi ro vỡ nợ trong bối cảnh chính phủ nước này vẫn đang bế tắc trong giải quyết vấn đề trần nợ công. Cụ thể, Fitch đánh giá xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của Mỹ ở mức AAA trong Danh sách giám sát tín nhiệm tiêu cực.

Báo cáo của cơ quan phân tích của Moody công bố vào tháng 5 cho biết việc Mỹ bị hạ xếp hạng sẽ tạo ra một loạt tác động tín dụng và dẫn tới việc hạ cấp đối với nợ của nhiều tổ chức khác.