RT đưa tin, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ không theo bước Anh trong việc cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, một phần do lo ngại về đào tạo và bảo trì.
“Mỗi quốc gia sẽ có những quyết định khác nhau trong việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine tùy thuộc vào năng lực của chính họ" - Ngoại trưởng Blinken nói khi trả lời phỏng vấn PBS NewsHour hôm 11/5. Đồng thời, ông nhấn mạnh, Washington đã “cung cấp một số thiết bị đặc biệt cho Kiev thông qua quá trình này".
Tuy nhiên, ông Blinken lưu ý rằng Washington cần đảm bảo rằng người Ukraine được đào tạo bài bản và có trình độ để xử lý các hệ thống vũ khí tinh vi hơn. Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ: “Nếu họ không biết cách sử dụng vũ khí hay bảo trì, điều đó sẽ không mang lại nhiều lợi ích khi các thiết bị có thể gặp trục trặc chỉ trong vòng 7 ngày".
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, Washington và các đồng minh đang “làm việc theo đúng nghĩa đen từng ngày” với Kiev. “Nếu có lỗ hổng và có thiếu hụt, họ sẽ thông báo cho chúng tôi và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đáp ứng", ông Blinken nói khi được hỏi về sự hỗ trợ của Mỹ cho cuộc phản công của Ukraine.
Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Blinken đưa ra sau khi Vương quốc Anh xác nhận đang cung cấp cho Kiev tên lửa hành trình Storm Shadow có thể tấn công các mục tiêu cách xa hơn 250 km.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace khẳng định tên lửa Storm Shadow sẽ “cho phép Ukraine đẩy lùi các lực lượng Nga đóng trên lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine”.
Các quan chức Ukraine nhiều lần nhấn mạnh, sự thành công của chiến dịch phản công phụ thuộc rất nhiều vào việc cung cấp vũ khí hạng nặng từ phương Tây.
Cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky, ông Mikhail Podoliak gần đây tuyên bố rằng các tên lửa tầm xa hơn có thể được sử dụng để tấn công bán đảo Crimea – khu vực sáp nhập vào Nga từ năm 2014.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong phát biểu mới đây cho biết, chiến dịch phản công ở mặt trận phía Đông đã bị trì hoãn vì quân đội Ukraine vẫn cần bổ sung một số vũ khí mới.
Về phần mình, Nga nhiều lần cảnh báo rằng việc chuyển giao vũ khí khiến các quốc gia thành viên NATO trên thực tế trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 11/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, quân đội Nga phải có phản ứng thích hợp đối với việc Vương quốc Anh cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine.
Ông Peskov chỉ ra rằng Điện Kremlin đã coi động thái của London gửi tên lửa tầm xa tới Kiev là "khá tiêu cực". Theo quan chức Điện Kremlin, điều này cần có một phản ứng thích hợp từ quân đội Nga và Moscow chắc chắn sẽ đưa ra các quyết định cần thiết về mặt quân sự.
Trước đó cùng ngày, hãng tin CNN dẫn lời nguồn tin giấu tên nói, Vương quốc Anh đã chuyển giao một số tên lửa hành trình Storm Shadow cho Ukraine với tầm bắn ước tính lên 300 km.
CNN cho biết, từ lâu Ukraine đã yêu cầu các đồng minh phương Tây viện trợ các loại tên lửa tấn công tầm xa có thể đánh vào vùng hậu cần của Nga. CNN trích dẫn một quan chức phương Tây nói rằng, London đã “nhận được sự đảm bảo từ Kiev rằng tên lửa Storm Shadow sẽ chỉ được sử dụng “trong lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine”.
Tờ Washington Post cho biết, London hy vọng việc họ đi đầu trong việc viện trợ vũ khí tầm xa sẽ khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden đổi ý viện trợ tên lửa ATACMS cho Kiev.
Washington được cho là lo ngại về việc cạn kiệt kho dự trữ tên lửa ATACMS và khả năng leo thang xung đột nếu Kiev sử dụng vũ khí này để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của Nga.
Trước đó, hồi tháng 3, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, tướng Mark Milley, cho biết Mỹ sẽ không gửi tên lửa ATACMS với tầm bắn lên đến 450 km tới Ukraine vì động thái này sẽ làm giảm kho dự trữ của Lầu Năm Góc.
Tên lửa Storm Shadow do Anh - Pháp phát triển từ những năm 1990 và được triển khai từ trên không. Tầm bắn của Storm Shadow ước tính vào khoảng 300km, tương đương tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất.
Storm Shadow từng được sử dụng trong một số hoạt động quân sự của Anh, trong đó có cuộc tấn công trả đũa ở Syria mà Mỹ, Anh và Pháp cùng tiến hành vào năm 2018 sau cáo buộc chính quyền Damascus triển khai vũ khí hóa học ở Douma.