Mỹ ở Afghanistan: Từ một người trong cuộc

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tư và thiệt hại của liên quân do Mỹ dẫn đầu tại chiến trường Afghanistan trong 20 năm qua đều là những con số choáng ngợp.

Với phát biểu của các bên liên quan về diễn biến những ngày qua, đã có câu hỏi được đặt ra rằng: Người Mỹ thật sự đã bắt đầu một cuộc chiến mà họ biết trước sẽ thất bại?
Như một câu trả lời từ chính người trong cuộc, xin gửi tới bạn đọc bản lược dịch bài viết đăng tải trên tạp chí điện tử Harvard Magazine, ngày 18/8/2021, của tác giả Kit Parker - Giáo sư kỹ thuật sinh học và vật lý ứng dụng tại Đại học Harvard, đồng thời là đại tá thuộc Quân đội Hoa Kỳ. Ông đã phục vụ ở chiến trường Afghanistan trong các năm 2002 - 2003, 2009 và 2011.
 Người lính Mỹ tặng quà cho trẻ em Afghanistan trong một cuộc tuần tra tại Nangarhar, ngày 20/2/2010. Ảnh: AFP
“Những ngày gần đây, điện thoại của tôi réo rắt bởi các cuộc gọi và tin nhắn từ những người bạn, nói rằng họ không ngờ mọi thứ sụp đổ nhanh như vậy ở Afghanistan. Tôi dám trả lời: Không có gì đáng ngạc nhiên, vì kết cục sẽ luôn là như vậy.

"Bất kỳ người lính Mỹ nào đã dành thời gian có ý nghĩa tại các ngôi làng ở Afghanistan đều sẽ biết rõ điều đó. “Có ý nghĩa” - ý tôi là đã dành thời gian nói chuyện với các già làng, cố gắng đảm bảo rằng họ sẽ giữ lập trường chống lại khủng bố; cho những đứa trẻ đói khát của họ ăn; truyền bá những lợi ích của giáo dục cho tất cả mọi người và giải thích về pháp quyền.

"Tôi cũng muốn nói đến không ít người trong chúng ta, những người đã dành thời gian ở các ngôi làng đó chỉ để phân loại những cuộc chiến của nhiều thế hệ người dân Afghanistan - không phải nhìn vào tương lai của họ mà là những sai lầm của quá khứ. Tại Harvard, tôi đã chứng kiến một buổi nói chuyện của các tướng lĩnh khi đến thăm trường Kennedy, trình bày chi tiết về sự cần thiết phải điều động quân đội để ổn định một quốc gia. Nhưng từ khoảng thời gian sống nơi thực địa, tôi đã có một cái nhìn hoàn toàn khác.

"Afghanistan có thể không phải là một quốc gia ổn định. Đó là một không gian đa dạng và khó khăn, ít ý thức về tập thể hay số phận chung. Nạn mù chữ vẫn còn phổ biến - ngay cả sau khi chúng ta can thiệp - cũng như bạo lực không ngừng. Và ý tưởng về một cơ quan lãnh đạo hành pháp tập trung theo mô hình phương Tây, với cấu trúc phân cấp và trách nhiệm, đôi khi là trái với mong muốn của người Afghanistan. Ít nhất đó là lịch sử. Tuy nhiên, mặc dù đã trải qua nhiều thế kỷ chiến tranh, người Afghanistan không bị đánh bại và cũng không đánh bại được những kẻ xâm lược của họ. Đúng hơn, Afghanistan luôn bị bỏ rơi bởi những kẻ xâm lược có từ thời Thành Cát Tư Hãn. Bất kể quy mô và thời gian của các cuộc xâm lược, Afghanistan vẫn không thay đổi về bản chất.

"Khi tôi đến Afghanistan vào năm 2002, vật dụng công nghệ cao nhất mà tôi thấy ở các ngôi làng nông thôn của tỉnh Kandahar là một khẩu AK-47. Còn thứ nhì? Là bánh xe. Các ngôi làng gần như chỉ vừa thoát khỏi thế kỷ XII. Khi tôi quay trở lại các đợt triển khai tiếp theo vào năm 2009 và 2011, tôi thấy rằng đã có rất nhiều điện thoại di động, quán cà phê có internet, đường trải nhựa, phương tiện truyền thông… mà chúng ta, liên quân, đã mang đến thông qua viện trợ và thương mại. Nhưng người Afghanistan không có khả năng cơ bản để phát triển hoặc duy trì chúng - những cạm bẫy của xã hội thế kỷ XXI, và các cường quốc trong liên minh thì liên tục phớt lờ thực tế này. Chứng kiến việc triển khai các máy bay trực thăng tinh vi và các trang thiết bị khác cho Quân đội Quốc gia Afghanistan là điều khiến tôi thực sự sợ hãi và tức giận. Bởi tính toán sai lầm của chúng ta chính là nghĩ rằng “đồ chơi” hiện đại của mình sẽ là cách để “sửa chữa” Afghanistan.

"Chúng ta, với tư cách là một quốc gia độc lập, đã hiểu sai về Afghanistan. Đối với những người đã ở thực địa như tôi, chúng tôi hiểu chính xác việc đưa quân đến đó sẽ kết thúc như thế nào ngay từ đầu. Vấn đề quan trọng không hẳn là nghèo đói, thiếu giáo dục hay các giá trị xã hội. Nó đơn thuần hơn thế. Đối với phần lớn dân số Afghanistan, hầu như không ai có khái niệm “sống tự do hoặc là chết”. Tương tự như cách mà chúng ta đã làm ở những nơi khác, chúng ta đã cố tạo ra một câu chuyện văn hóa về một dân tộc bằng câu chuyện và nền văn hóa của riêng họ.

"Nhưng thất bại lớn nhất của chúng ta là việc không hiểu rõ và tự thách thức bản thân. Chúng ta đã không suy xét về lý do để một nền dân chủ hoạt động... Chúng ta không đánh giá đúng những gì một nhân viên thực thi pháp luật sẽ cần, hay những gì cần thiết để dẫn dắt thương mại. Cuối cùng, chúng ta đã không đánh giá được những gì là thiết yếu để xây dựng công dân của nền dân chủ - người có thể cần được phát triển để trở thành nhà lãnh đạo. Kết quả là, nỗ lực của chúng ta trong việc xây dựng quốc gia ở Afghanistan bị thiếu sót, chính bởi sự ngạo mạn và thiếu kỹ năng của cả người Mỹ và người Afghanistan.

"Bài học tiếp theo là gì? Hãy để tâm đến câu chuyện văn hóa và đặt câu hỏi về nó - đặc biệt là đối với lực lượng Mỹ vốn thường được gửi ra thế giới. Cụ thể, quân đội phải xem xét lại mô hình xây dựng các tướng lĩnh - những người dường như đang bị tách biệt với nhịp sống của dân chúng Mỹ - đã xây dựng một kế hoạch “kim tự tháp chiến tranh” trong hơn 2 thập kỷ dựa trên một giả tưởng rằng tiền là một hệ thống vũ khí. Và đối với giới học thuật chúng tôi, nhiệm vụ khó khăn là phải nhận ra được những yếu tố đặc thù của điểm đến - điều làm nên những chiến trường riêng biệt, đòi hỏi những hình thức chiến đấu phù hợp.

"Chúng ta có thể đã vội vã rời khỏi Afghanistan, nhưng hành động tốt nhất của chúng ta trong tương lai là tiếp tục tự cải thiện. Để nếu như khủng bố một lần nữa bị rò rỉ khỏi biên giới của nó, chúng có thể lo ngại về một phản ứng khác từ Mỹ thay vì lựa chọn xây dựng một chính quyền”.

Loạt số liệu đáng chú ý trong 20 năm chiến đấu chống Taliban và nỗ lực tái thiết Afghanistan của Mỹ và đồng minh NATO

- Đỉnh điểm vào năm 2011, 110.000 lính Mỹ trực tiếp tham chiến.

- Quý IV/2020, 7.800 công dân Mỹ, chủ yếu là các nhà thầu tư nhân, có mặt tại Afghanistan.

- Sau khi kết thúc nhiệm vụ chiến đấu vào tháng 12/2014, 13.000 binh lính NATO vẫn ở lại Afghanistan để hỗ trợ các hoạt động chống khủng bố.

- Tổng chi tiêu quân sự tại Afghanistan của Mỹ (năm 2001 - 2019) ước tính khoảng 822 tỷ USD, chưa bao gồm các khoản chi tiêu liên quan ở Pakistan.

- Kể từ năm 2002, Mỹ chi khoảng 143,27 tỷ USD cho các hoạt động tái thiết, trong đó thất thoát khoảng 19 tỷ USD (5/2009 - 12/2019) do lãng phí và tham nhũng.

- Kể từ khi bắt đầu vào năm 2001, hơn 3.500 binh lính liên quân thiệt mạng, trong đó hơn 2.300 người là lính Mỹ.

- Thiệt hại về nhân mạng của quân đội và cảnh sát quốc gia Afghanistan là hơn 64.100 người.

- Gần 111.000 dân thường Afghanistan đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi có thể thống kê.

Nguồn: BBC