Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ - Trung Đông

Mỹ ở đâu trong hòa giải Trung Đông?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù gặp vô vàn thách thức trong hàn gắn mối quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Israel, Washington đang rất nỗ lực nhằm duy trì tầm ảnh hưởng ở Trung Đông.

Tuần này, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ tới thủ đô Riyadh để bàn thảo kế hoạch hợp tác song phương, đồng thời thúc đẩy bình thường hóa hoàn toàn mối quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Iran.

Về mối quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Israel, hơn một năm nay, Washington dành nhiều nỗ lực cho ngoại giao con thoi trong mối quan hệ giữa hai quốc gia Trung Đông. Trong đó, Riyadh đưa ra yêu cầu buộc Washington phải đáp ứng để tiến tới bình thường hóa quan hệ với Jerusalem.

Thách thức nhãn tiền

Vào tháng trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã có chuyến bay tới Jeddah để gặp thái tử Mohammad bin Salman nhằm hoàn tất thỏa thuận bình thường hóa giữa Saudi và Israel trước cuối năm nay.

Đây thực sự là một mục tiêu tham vọng và đầy thách thức khi có quá nhiều việc cần phải giải quyết.

Một trong những vấn đề nan giải nhất là đáp ứng được yêu cầu của thái tử Ả Rập Mohammed bin Salman về đảm bảo an ninh của Mỹ đối với quốc gia Trung Đông này. Không những vậy, Washington còn cần hỗ trợ xây dựng hạ tầng hạt nhân dân sự cho Ả Rập Saudi, bao gồm cả quyền quản lý của Riyadh liên quan đến nhiên liệu uranium mà không chịu sự kiểm soát của Mỹ hoặc quốc tế.

Tất nhiên, bình thường hóa mối quan hệ giữa Israel và Ả Rập Saudi sẽ là một thành tựu ấn tượng, nhưng chưa hẳn mang lại lợi ích chiến lược lâu dài. Các chuyên gia cho rằng Washington nên cực kỳ thận trọng về những cam kết đưa ra đối với Ả Rập Saudi, vì quốc gia này có thể quay sang hợp tác với các đối thủ của Mỹ là Trung Quốc và Nga.

Việc thái tử Ả Rập hỗ trợ Nga trong OPEC+ cũng như duy trì quan hệ kinh tế với Moscow bất chấp lệnh cấm, hay vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc đối với mối quan hệ Ả Rập Saudi-Iran cũng sẽ buộc ông Biden phải xem xét trước khi đặt vấn đề hợp tác.

Hiện tại, một thử thách đối với Washington là dường như thái tử Mohammed bin Salman đang nghiêng về người tiền nhiệm của ông Biden và là ứng viên Tổng thống tới đây – Donald Trump.

Bên cạnh đó, liệu Ả Rập Saudi có thực sự muốn hòa giải với Israel, nhất là khi Jerusalem vẫn duy trì chính sách căng thẳng với Palestine vốn khiến cộng đồng người Hồi giáo không hài lòng và ảnh hưởng đến uy tín của Ả Rập Saudi – một quốc gia xem trọng Hồi giáo.

Tuy nhiên, Mỹ cũng sẽ có những lợi thế nhất định khi Ả Rập Saudi tỏ thiện chí. Quốc gia vùng Vịnh này vẫn đang tìm kiếm một lệnh ngừng bắn với nhóm phiến quân Houthis ở Yemen và chào đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới cuộc họp của Liên đoàn Ả Rập gần đây ở Jeddah trong khi nhiều nước khác không dốc sức ủng hộ Kiev.

Bên cạnh đó, những thỏa thuận của hiệp định hòa bình Abraham mà người tiền nhiệm Donald Trump đã làm trung gian hòa giải giữa Ả Râp, Israel và Bahrain sẽ là cơ sở quan trọng để ông Biden có thể dựa vào.

Chính quyền ông Biden cũng đã đạt được một số kết quả tích cực, bao gồm một thỏa thuận ba bên về việc trả lại hai hòn đảo nhỏ từ Ai Cập cho Ả Rập mà cần phải có sự đồng ý của Israel. Về phía mình, Ai Cập cũng cho phép Israel bay qua vùng trời đối với các chuyến bay thương mại đến Ấn Độ và Trung Quốc. Và cũng có nhiều nguồn tin về việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thái tử Ả Rập Mohammed bin Salman đã có các cuộc họp kín.

Dường như những nỗ lực này của ông Biden nhằm khẳng định Mỹ vẫn có vị thế quan trọng ở Trung Đông.

Cờ của Ả Rập Saudi và Israel trong các cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Washington, ngày 14/10/2021. Ảnh: Foreign Policy
Cờ của Ả Rập Saudi và Israel trong các cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Washington, ngày 14/10/2021. Ảnh: Foreign Policy

Kết quả mơ hồ

Tuy nhiên, chưa cần đến nỗ lực của Mỹ, trên thực tế, Ả Rập Saudi và Israel là những đồng minh ngầm chống lại Iran, ngay cả khi Riyahd đang hòa giải với Tehran. Israel và Ả Rập đã chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác an ninh thường xuyên.

Không chỉ vậy, ngày nay Israel là cường quốc sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn, cơ sở công nghiệp quốc phòng tiên tiến, nền kinh tế quy mô lớn và có mối quan hệ bền chặt với UAE và Bahrain.

Hơn nữa, cả Ả Rập Saudi và Israel đều đa dạng hóa trong chính sách đối ngoại của mình. Họ ngày càng khẳng định sự độc lập đối với Mỹ, kể cả việc Ả Rập tham gia Hiệp định Abraham sẽ không thay đổi điều này nhưng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ. Hơn nữa, việc tham gia Hiệp định Abraham không đồng nghĩa với việc Ả Rập Saudi sẽ dứt khoát cắt đứt với Trung Quốc và Nga.