Mỹ phóng tên lửa Minutenman: Thử vũ khí mà thật đòn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo vốn thường vẫn được các nước sở hữu loại vũ khí này tiến hành, đặc biệt là Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Nhưng việc Mỹ tiến hành liên tiếp 2 vụ phóng thử tên lửa Minutenman III liền trong thời gian không đầy một tuần và chủ ý làm rùm beng vụ thử lại là chuyện khác hẳn và không bình thường thậm chí ngay cả đối với Mỹ. Nguyên do ở chỗ Mỹ sử dụng việc thử nghiệm vũ khí làm cú đòn thật về chính trị và quân sự, an ninh và tâm lý.
 Mỹ phóng tên lửa Minutenman: Thử vũ khí mà thật đòn - Ảnh 1
Tên lửa Minutenman là chủng loại vũ khí chiến lược của Mỹ có từ năm 1970, dài 18 mét, tầm bắn 13.000 km, có khả năng mang 3 đầu đạn hạt nhân. Hiện tại, Mỹ còn 450 tên lửa loại này và mỗi chiếc chỉ được phép mang một đầu đạn hạt nhân. Chiến tranh lạnh đã kết thúc từ lâu và thật ra thì vai trò răn đe của vũ khí hạt nhân cũng không còn như trước. Hai vụ thử tên lửa vừa rồi cùng với chủ ý thu hút sự quan tâm của dư luận có liên quan đến những thách thức an ninh lớn nhất hiện tại đối với Mỹ mà để đối phó Mỹ thấy cần phải sử dụng lại tác dụng răn đe của vũ khí hạt nhân. Mỹ muốn dùng chúng để phát đi thông điệp cả về bên trong lẫn tới bên ngoài.

Những thách thức an ninh lớn nhất hiện tại đối với Mỹ là khủng bố quốc tế, là chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Nga về phương diện tiềm lực, sức mạnh quân sự và hoạt động quân sự trực tiếp ở nhiều khu vực trên thế giới, cũng như là chiến lược quân sự của Trung Quốc theo hướng tăng cường vũ trang, sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để thực hiện lợi ích, đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số nước khác, bất chấp luật pháp quốc tế ở khu vực Biển Đông, từng bước quân sự hoá và độc chiếm Biển Đông.

Thông điệp từ đó không chỉ là vũ khí hạt nhân của Mỹ vẫn hoạt động tốt và Mỹ luôn sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để thực hiện lợi ích mà còn nhằm vào đối tượng rất cụ thế. Mỹ muốn trấn an thần dân và răn đe kẻ thù. Cả Nga, Trung Quốc và Triều Tiên cũng thuộc diện đối tượng bị răn đe khi cho thấy Mỹ đối phó không chỉ bằng vũ khí và quân đội đã được triển khai ở gần những nước này mà còn bằng cả vũ khí đặt ở nơi xa, cách rất xa thực địa xảy ra căng thẳng giữa họ với Mỹ mà lợi ích của Mỹ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Trong bối cảnh tình hình chính trị an ninh và quan hệ quốc tế hiện tại ở những khu vực liên quan đến các đối tác này và trên thế giới, ý đồ trên không có gì là khó hiểu. Nhưng nó kích hoạt chuỗi phản ứng theo kiểu ăn miếng trả miếng, thúc đẩy chạy đua vũ trang và phát triển tên lửa trên thế giới.