Mỹ ráo riết điều tra vụ rò rỉ tài liệu mật, Lầu Năm Góc “hốt hoảng”

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện Bộ Quốc phòng Mỹ đã chuyển hồ sơ cho Bộ Tư pháp để điều tra vụ việc.

Vụ rò rỉ tài liệu tuyệt mật chưa từng có liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine được cho là đang khiến giới chức Mỹ bối rối và điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động chia sẻ tin tình báo giữa các đồng minh.

Lầu Năm Góc “hoảng loạn”

Các tài liệu bị phát tán một phần đến từ Lầu Năm Góc được đánh dấu tuyệt mật. Một số tài liệu được cho là đã được chuẩn bị vào mùa đông năm ngoái cho Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley và các quan chức cấp cao khác của quân đội. Tuy nhiên, một số cá nhân khác cũng có quyền tiếp cận những tài liệu này.

Tòa nhà Lầu Năm Góc ở Arlington, Virginia, Mỹ. Ảnh: AP
Tòa nhà Lầu Năm Góc ở Arlington, Virginia, Mỹ. Ảnh: AP

Các tài liệu này sau đó xuất hiện trên Internet, cung cấp thông tin về triển khai hệ thống phòng không của Ukraine, việc sử dụng đạn pháo của các lực lượng vũ trang Ukraine. Một số tài liệu khác đưa ra đánh giá liên quan đến Trung Quốc và các quốc gia khác, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông.

Theo tờ Washington Post, Mỹ và các đồng minh đang vật lộn tìm câu trả lời vì sao các tài liệu tuyệt mật lại có thể bị phát tán trên Internet và phải sau hơn một tháng chúng mới bị phát hiện.

Quan chức nhiều quốc gia nói rằng đang đánh giá thiệt hại từ vụ rò rỉ thông tin tình báo của Mỹ. Các tài liệu được chia sẻ trên ứng dụng trò chuyện trực tuyến Discord từ cuối tháng 2 và đầu tháng 3, nhưng mới chỉ được Bộ Quốc phòng Mỹ chú ý sau khi tờ New York Times đưa tin lần đầu hôm 6/4.

Lầu Năm Góc ngày 8/4 yêu cầu siết chặt kiểm soát việc chia sẻ thông tin tình báo. Một quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đây là hành động hiếm thấy, cho thấy Lầu Năm Góc đang hoảng loạn.

Một quan chức tình báo châu Âu cho hay việc Washington hạn chế chia sẻ thông tin tình báo có thể khiến các đồng minh "mù" tin tức.

Giới chức phương Tây và các nhà phân tích nhận định còn quá sớm để đánh giá tác động của vụ rò rỉ, nhưng nếu Nga xác định được cách Mỹ thu thập thông tin và cắt đứt nguồn tin đó, thì nó có thể ảnh hưởng đến tình hình trên chiến trường Ukraine.

Một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết giới chức nước này quan ngại về vụ để lộ thông tin tình báo của Mỹ vì các tài liệu này tiết lộ nhiều thông tin mật liên quan đến hoạt động quân sự của Kiev như tình trạng thiếu đạn dược và nhiều dữ liệu quan trọng khác.

Bên cạnh đó, vụ rò rỉ nhiều khả năng sẽ làm phức tạp hơn quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, làm dấy lên hoài nghi về sự tin cậy của Mỹ trong việc bảo mật.

Nghi ngờ chính công dân Mỹ để lộ thông tin tình báo

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cố gắng xác định nguồn gốc, khả năng rò rỉ các tài liệu tuyệt mật, tiết lộ chi tiết nhạy cảm về các đồng minh của Mỹ, trong đó phơi bày lỗ hổng của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Đã có một số dự đoán ban đầu về nghi phạm đứng sau vụ rò rỉ thông tin. Chuyên gia an ninh phương Tây và quan chức Mỹ nghi ngờ có thể là một cá nhân nào đó ở Mỹ.

Theo quan chức Mỹ, các tài liệu liên quan xung đột ở Ukraine, Trung Quốc, Trung Đông và châu Phi, cho thấy chúng đã bị một người Mỹ tiết lộ, thay vì một đồng minh như dự đoán trước đó.

Ông Michael Mulroy, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, nói với Reuters: "Theo trọng tâm hiện nay, đây là một vụ rò rỉ do người Mỹ đứng sau, vì nhiều tài liệu chỉ nằm trong tay Mỹ".

Cuộc điều tra đang ở giai đoạn đầu và không loại trừ khả năng các phần tử thân Nga đứng sau vụ rò rỉ. Vụ việc được coi là một trong những vụ vi phạm an ninh nghiêm trọng nhất kể từ hơn 700.000 tài liệu, video... xuất hiện trên trang web WikiLeaks năm 2013.

Vụ rò rỉ có thể ảnh hưởng đến tình hình chiến trường Ukraine. Ảnh: DW
Vụ rò rỉ có thể ảnh hưởng đến tình hình chiến trường Ukraine. Ảnh: DW

Lầu Năm Góc hôm 9/4 cho hay họ đã chính thức chuyển hồ sơ tới Bộ Tư pháp yêu cầu điều tra vụ việc. 

Một quan chức giấu tên cho biết các nhà điều tra đang đặt ra một số giả thuyết về động cơ của người tiết lộ thông tin, gồm cả lý do cá nhân và tính toán có chủ đích nhằm làm suy yếu lợi ích an ninh quốc gia Mỹ.