Quyết định rút khỏi TPP của chính quyền Washington không hề gây ngạc nhiên vì trong chiến dịch vận động tranh cử và cả sau khi thắng cử, ông Trump luôn khẳng định sẽ không tham gia TPP với lý do làm mất việc làm của người Mỹ.
Thị trường biến động
Tuy nhiên, các đối tác của Mỹ và thị trường đều thể hiện rõ sự thất vọng trước động thái của ông Trump. Phần lớn thị trường chứng khoán toàn cầu đi xuống sau tuyên bố từ Nhà Trắng do các nhà đầu tư quan ngại về cam kết “đặt Mỹ lên trên hết” của tân Tổng thống.
Chốt phiên giao dịch ngày 24/1, trên thị trường phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ 0,1%; chỉ số S&P 500 hạ 0,3% trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất gần 0,1%. Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 ở thị trường London (Anh) và chỉ số DAX 30 trên sàn chứng khoán Frankfurt (Đức) đều giảm 0,7%; trong lúc chỉ số CAC 40 tại thị trường chứng khoán Paris (Pháp) giảm 0,6%.
Trên thị trường tiền tệ, đồng bạc xanh đã giảm hơn 4% so với đồng Yen sau khi đạt mức cao hồi tháng 12. Đặc biệt, bất chấp những lo ngại từ sự kiện Brexit, đồng USD vẫn xuống giá so với đồng bảng Anh và đồng Euro. Như vậy, trong phiên 24/1, đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tuần qua so với giỏ các đồng tiền chủ chốt và có khả năng tiếp tục biến động trong tương lai.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán và tiền tệ đã tạo cơ hội để giá vàng bứt tốc. Trong phiên giao dịch ngày 23/1, giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng qua do quan điểm bảo hộ thương mại của tân Tổng thống Trump khiến các nhà đầu tư tìm đến những tài sản an toàn hơn như vàng. Đồng USD suy yếu giúp cho vàng rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác cũng là yếu tố thúc đẩy nhà đầu tư gom vàng.
Người lao động Mỹ sẽ phải trả giá
Quyết định rút khỏi TPP và tuyên bố gây lo ngại về tương lai của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) của ông Trump không chỉ phủ bóng đen lên các thị trường mà còn đe dọa các mối quan hệ thương mại giữa Mỹ với các đối tác. Trong cuộc chơi này, chưa rõ bên nào sẽ chịu thiệt nhưng về lâu dài, chính sách của ông Trump có thể gây thiệt hại cho chính các DN Mỹ.
Ngay sau khi tân Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp chính thức rút Mỹ khỏi TPP, Thượng nghị sĩ (TNS) John McCain - Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, đã chỉ trích hành động này là “một sai lầm nghiêm trọng”. Theo ông McCain, quyết định của tân Tổng thống sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực về lâu dài đối với nền kinh tế Mỹ.
TNS McCain cho rằng, quyết định này sẽ tước đoạt đi cơ hội thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ, xóa bỏ các rào cản thương mại, mở ra các thị trường mới cũng như bảo vệ các phát minh và sáng tạo của người Mỹ. Vấn đề cấp bách sắp tới của Mỹ là phải thúc đẩy một chương trình nghị sự thương mại tích cực ở châu Á - Thái Bình Dương để giúp người lao động và các công ty Mỹ cạnh tranh tại một trong những khu vực tăng trưởng kinh tế nhanh và sôi động nhất thế giới. Theo TNS McCain, quyết định rút khỏi hiệp định thương mại thế hệ mới này “sẽ mở đường cho Trung Quốc viết lại các luật chơi kinh tế khiến chính người lao động Mỹ phải trả giá”.
Đồng quan điểm với TNS McCain, ông Robert Eldridge, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định, nếu rút khỏi TPP mà không đưa ra được bất kỳ khuôn khổ hợp tác toàn diện nào để thay thế, Trung Quốc sẽ chớp cơ hội này và khiến các nước ở châu Á xoay về phía Bắc Kinh nhiều hơn. Chỉ 2 ngày trước khi ông Trump nhậm chức, phát biểu phê phán mặt trái của bảo hộ thương mại của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Davos (Thụy Sĩ) được dàn lãnh đạo DN hùng hậu hộ tống nhắc lại trong hàng trăm phiên thảo luận được cho là phát đi thông điệp “mời chào” các đối tác từ Bắc Kinh.
Lời thách thức từ châu Âu
Trong bối cảnh cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều cam kết mạnh mẽ trong việc duy trì và tăng cường vai trò của Washington ở châu Á, ông Michael Fuchs, Trung tâm American Progress nhận định, nếu không có kế hoạch đảm bảo các DN Mỹ cạnh tranh được tại châu Á, ông Trump sẽ phải trả giá đắt trước các nhà lập pháp. Trên thực tế, ngoài nguy cơ từ Trung Quốc, GS Barry Bosworth tại Viện Brookings cảnh báo quyết định rút khỏi TPP còn tạo khe hở để các DN châu Âu thế chân các công ty Mỹ tại châu Á.
Lời khẳng định “cơ hội cho kinh tế Đức đã mở ra” của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng LB Đức Sigmar Gabriel có thể coi là lời “thách thức” đầu tiên từ châu Âu. Theo ông Gabriel, nhờ chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, các DN Đức có thể tận dụng lợi thế để nắm bắt những cơ hội kinh doanh tại châu Á và Nam Mỹ. Thậm chí ngay cả khi ông Trump từng đe dọa sẽ đánh thuế 35% đối với những chiếc xe của Đức được sản xuất ở Mexico và nhập khẩu vào Mỹ, ông Gabrel vẫn tự tin kinh tế Đức có thể đối đầu với những thay đổi của nước Mỹ.
Hiện thị trường Mỹ chiếm 10% giá trị xuất khẩu của Đức, trong khi 60% khác là thị trường các nước châu Âu. Nếu Washington kích hoạt cuộc chiến tranh thương mại với châu Á và Nam Mỹ, DN Đức sẽ dễ dàng nhảy vào thị trường châu Á và khi đó “ông Trump phải nhận ra điều đơn giản là kinh tế Mỹ kém cạnh tranh so với kinh tế Đức”, Phó Thủ tướng Gabriel nhấn mạnh.
Tín hiệu của sự thoái lui
Ngoài tác động tiêu cực tới kinh tế, các chính trị gia và nhiều học giả nhận định, quyết định rút khỏi TPP sẽ khiến Mỹ xa rời các đồng minh châu Á. Theo TNS McCain, động thái này “phát đi một tín hiệu xấu về sự thoái lui của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, khiến đồng minh hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Washington ở khu vực.
Vốn là “chân kinh tế” trong chính sách tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương của người tiền nhiệm, cách tiếp cận của tân Tổng thống Trump đã làm suy yếu những nỗ lực mà ông Barack Obama đã dày công xây dựng. Và sự xao nhãng của lãnh đạo Mỹ tại châu Á sẽ giúp Trung Quốc có thêm “khoảng trống” để mở rộng ảnh hưởng tại khu vực địa chính trị quan trọng này. Trong lúc Bắc Kinh đang xúc tiến một thỏa thuận tự do thương mại riêng của khu vực, Tổng thống Philippines Duterte tỏ rõ sự thiếu thiện cảm với chính quyền Washington, ông Trump có thể sẽ phải mất vài năm để gây dựng lại ảnh hưởng.
“Hãm phanh” tiến trình hội nhập toàn cầu
Với tư cách là đầu tàu lãnh đạo nền kinh tế thế giới, động thái rút nước Mỹ khỏi TPP của ông Trump bị người đứng đầu Ban Tây Bán Cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Alejandro Werner nhận định là động thái “hãm phanh” tiến trình hội nhập toàn cầu.
Rút khỏi TPP chỉ là bước đi đầu tiên nhằm cụ thể hóa chính sách bảo hộ thương mại của tân Tổng thống Mỹ. Số phận của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã có mặt trong chương trình nghị sự khi Tổng thống Mexico hội đàm với ông Trump vào cuối tháng này. Kế hoạch bàn bạc điều chỉnh NAFTA theo hướng có lợi cho Mỹ với Thủ tướng Canada được đồn đoán là sẽ tiến hành trong tương lai gần. Vì thế, giới chức châu Âu đang đứng ngồi không yên do không ai dám chắc lúc nào ông Trump sẽ tuyên bố từ bỏ Hiệp định Đối tác Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP).
Để đối phó với nguy cơ này, bà Cecilia Malmstrom, Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu (EU) thuyết phục các nghị sĩ của Nghị viện châu Âu thông qua thỏa thuận thương mại được EU và Canada ký kết hồi tháng 10 năm ngoái. Theo bà Malmstrom, khi TPP có khả năng bị “chôn vùi”, nhiều nước đang trông đợi vào EU thông qua thỏa thuận với Canada để chứng minh các thỏa thuận thương mại đang thực sự phát huy hiệu quả.
Ngoài sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu, thỏa thuận thương mại tự do EU – Canada còn cần đến sự thông qua của hơn 30 nghị viện quốc gia và khu vực thành viên EU. Động thái đàm phán lại NAFTA và số phận bất định của TTIP có thể sẽ thúc đẩy Canada và EU bắt tay với nhau để thông qua thỏa thuận quan trọng sau hơn 7 năm đàm phán. Với đặc thù hệ thống sản xuất tại khu vực Bắc Mỹ được kết nối cao và mối quan hệ mật thiết với các tập đoàn trên khắp Lục địa già, sự hợp tác giữa 2 đối tác lớn này có thể sẽ cản trở thương mại của Mỹ. Tất nhiên, lúc đó Washington sẽ mất đi sự ủng hộ của các đồng minh thân thiết là thành viên EU và sự hậu thuẫn từ Canada - sân sau tại Bắc Mỹ.