Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (Fdic) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang cân nhắc việc thành lập một quỹ cho phép các cơ quan quản lý hỗ trợ bù đắp phần tiền gửi tại các ngân hàng gặp khó khăn sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB).
Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết, các nhà quản lý Mỹ đã thảo luận về phương tiện đặc biệt mới trong các cuộc trò chuyện với các giám đốc điều hành ngân hàng. Trong khi đó, việc thiết lập một phương tiện tương tự sẽ góp phần trấn an người gửi tiền và giúp ngăn chặn bất kỳ sự hoảng loạn có thể như từng xảy ra với SVB.
Dự án là một phần trong kế hoạch dự phòng của cơ quan chính phủ Mỹ trong bối cảnh lo ngại lan rộng về khả năng chống đỡ của các ngân hàng nhỏ hơn tập trung cung vốn cho cộng đồng đầu tư mạo hiểm và khởi nghiệp.
Trong khi đó, FDIC hôm 11/3 đã tham vấn các quan chức từ nhiều công ty cho vay vừa và nhỏ, bao gồm cả Ngân hàng First Republic, về tình hình tài chính.
Nỗi sợ lây lan
Cổ phiếu của First Republic đã giảm 15% hôm 10/3, kéo dài mức trượt giá của ngân hàng này lên 34% trong tuần. Công ty nói với các nhà đầu tư trong một tuyên bố rằng khả năng thanh khoản vẫn mạnh cùng cơ sở tiền gửi vẫn rất đa dạng.
Một số ngân hàng khác trong khu vực cũng trải qua tình trạng cổ phiếu lao dốc sau sự sụp đổ của SVB, khiến chính họ phải lên tiếng đảm bảo về sự ổn định tài chính.
Ngân hàng Western Alliance Bancorp có trụ sở tại Phoenix đã nhấn mạnh số lượng tiền gửi dồi dào và tính thanh khoản mạnh mẽ sau khi cổ phiếu của họ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020 vào ngày 10/3.
Cùng ngày hôm đó, khi cổ phiếu của PacWest Bancorp giảm 38%, Giám đốc điều hành Paul Taylor khẳng định họ vẫn là một ngân hàng thương mại “hoạt động tốt, đa dạng hóa tốt”.
SVB đã trở thành ngân hàng lớn nhất của Mỹ sụp đổ trong hơn một thập kỷ vào hôm 10/3, sau một tuần đầy biến động chứng kiến nỗ lực huy động vốn không thành công. Các cơ quan giám sát của bang California hiện nắm quyền nhà băng vốn được định giá hơn 40 tỷ USD vào năm ngoái.