95 năm ngày thành lập đảng

Mỹ-Trung “ăn miếng trả miếng” trong cuộc đua công nghệ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắc Kinh đầu tuần này đã công bố lệnh cấm xuất khẩu một số khoáng sản và kim loại quý hiếm sang Mỹ, chỉ một ngày sau khi Washington ban hành biện pháp kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc đối với các mặt hàng như thiết bị sản xuất bán dẫn và chip.

Lý do Bắc Kinh cấm xuất khẩu khoáng sản hiếm sang Mỹ

Trung Quốc vừa công bố lệnh cấm xuất khẩu một số khoáng sản và kim loại quý hiếm sang Mỹ, đánh dấu bước đi chiến lược trong cuộc cạnh tranh công nghệ cao giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Germani là một trong những nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn, năng lượng tái tạo và thiết bị quân sự. https://www.northernminer.com
Germani là một trong những nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn, năng lượng tái tạo và thiết bị quân sự. https://www.northernminer.com

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 3/12 thông báo, lệnh cấm bao gồm các kim loại như gali, germani và antimon, những nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn, năng lượng tái tạo và thiết bị quân sự.

Bên cạnh đó, 4 hiệp hội công nghiệp lớn tại Trung Quốc cũng đã kêu gọi giảm mua chip từ Mỹ, nhấn mạnh rằng các sản phẩm này "không còn an toàn và đáng tin cậy".

Quyết định này của Trung Quốc là phản ứng trực tiếp đối với lệnh kiểm soát xuất khẩu mà chính quyền Washing áp đặt đối với Bắc Kinh hôm 2/12 vốn được mô tả là để "bảo vệ an ninh quốc gia". Theo đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden áp đặt biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với khoảng 140 công ty, trong đó có Naura Technology Group, Piotech và SiCarrier Technology.

Lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ và Trung Quốc là những động thái mới nhất trong sự cạnh tranh của hai nước, với trọng tâm gần đây chủ yếu xoay quanh thương mại, sản xuất công nghệ quân sự và phát triển trí tuệ nhân tạo.

Chuyên gia cấp cao Claire Reade của Công ty luật Arnold & Porter tại Washington, đồng thời là chuyên gia về quan hệ thương mại Mỹ-Trung, nói với DW: "Đây là sự cứng rắn và phòng thủ từ cả phía Trung Quốc và Mỹ, và đây không phải là hiện tượng mới đối với cả hai quốc gia".

Bà Reade cho biết nhận thức đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc rằng Mỹ đang cố gắng ngăn chặn sự phát triển hợp pháp của nước này, trong khi Washington xem đây là vấn đề an ninh quốc gia nhằm ngăn chặn Bắc Kinh giành được quyền thống trị ở một số lĩnh vực nhất định.

Lệnh cấm xuất khẩu khoáng sản hiếm sang Mỹ được cho là bước đi chiến lược nhằm củng cố vị thế của Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ và giảm phụ thuộc vào phương Tây. Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán hơn trong chính sách thương mại và bảo vệ lợi ích quốc gia.

Bà Reade nhận định: "Trung Quốc muốn gửi thông điệp rằng họ không chấp nhận việc phát triển kinh tế và an ninh quốc gia của mình bị đe dọa.

Còn theo ông Cory Combs – Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu Trivium China, việc chính quyền Tổng thống Biden tăng cường kiểm soát công nghệ chip đối với Trung Quốc về cơ bản là nhằm hạn chế khả năng của Bắc Kinh  trong việc tiếp cận hoặc sản xuất các con chip trí tuệ nhân tạo (AI)  cao cấp, vốn được Mỹ xem là vấn đề an ninh quốc gia.

“Và được xem là đòn trả đũa, Trung Quốc đã áp đặt biện pháp kiểm soát một số sản phẩm khoáng sản thiết yếu cho các ngành công nghiệp quan trọng, động thái cho thấy Bắc Kinh cũng có đòn bẩy trong cuộc đối đầu thương mại với Washington” - ông Combs cho hay.

Mỹ thiệt hại thế nào?

Theo tính toán của đài Sputnik dựa trên dữ liệu từ Cơ quan thống kê Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể mất gần 20% nguồn cung cấp germani, gần 9% nguồn cung galli và 8% nguồn cung antimon do các biện pháp hạn chế được Trung Quốc áp dụng từ ngày 3/12.

Mỹ nhập khẩu phần lớn các khoáng sản này từ Trung Quốc, nơi kiểm soát đến 98% nguồn cung gali thô toàn cầu và phần lớn sản lượng germani. Theo một nghiên cứu được Cục Khảo sát Địa chất Mỹ công bố hồi tháng 11, nếu Trung Quốc thực hiện cấm hoàn toàn xuất khẩu gali và germani, GDP của Mỹ có thể giảm tới 3,4 tỷ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, Mỹ không hoàn toàn bị động. Nhiều quốc gia như Canada, Đức và Nhật Bản cũng sản xuất những khoáng sản này, và việc đầu tư khai thác trong nước là một giải pháp khả thi. Dù vậy, những thay đổi này cần thời gian và chi phí lớn để triển khai.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu cấp cao Martin Chorzempa tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cảnh báo, các doanh nghiệp quốc phòng tại Mỹ sẽ chịu tác động lớn từ lệnh cấm của Trung Quốc. Vị chuyên gia nêu rõ: “Các công ty quốc phòng của Mỹ bị mất cơ hội mua các loại khoáng sản hiếm từ Trung Quốc với giá cả hợp lý hơn”.

Bên cạnh đó, các biện pháp trả đũa thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng gây trở ngại đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng  trực tiếp đến người tiêu dùng.

“Khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang, chúng ta có thể thấy chi phí hàng hóa gia tăng,” ông Chorzempa nói. “Khi các công ty cung ứng phải thay đổi chuỗi cung ứng và xây dựng các mạng lưới thay thế, họ sẽ né tránh Mỹ hoặc Trung Quốc. Và tất cả những điều đó đều làm gia tăng chi phí logistic”.