Mỹ - Trung bắt đầu áp gói thuế trả đũa mới: Cơ hội nào cho một thỏa thuận thương mại?

Phương Dung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mức thuế mới áp cho 110 tỷ USD hàng Trung Quốc và 75 tỷ USD hàng Mỹ đồng loạt có hiệu lực từ ngày 1/9 như công bố trước đó của Washington và Bắc Kinh.

Mỹ - Trung khởi động vòng thuế quan mới trong thương chiến
Bắc Kinh và Washington đã chính thức áp đặt bổ sung thêm thuế quan lên hàng hóa của nhau bắt đầu từ ngày 1/9, động thái leo thang căng thẳng mới nhất bất chấp việc vòng đàm phán tiếp theo giữa 2 nước có thể bắt đầu trong tháng này.
Mức thuế 15% của Mỹ áp lên 112 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã bắt đầu có hiệu lực vào nửa đêm ngày 31/8 (theo giờ Mỹ).
 Mỹ và Trung Quốc chính thức áp gói thuế mới từ ngày 1/9.
Trong khi đó, ngày 1/9, Trung Quốc cũng bắt đầu áp thuế bổ sung lên một số mặt hàng trong danh sách 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Lệnh thuế trừng phạt sẽ có hiệu lực kể từ 4 giờ 01 phút sáng theo GMT.
Theo CNBC, đòn thuế 5% và 10% đánh vào 1.717 mặt hàng trong tổng số 5.078 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Bắc Kinh sẽ bắt đầu áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng còn lại kể từ ngày 15/12.
Trung Quốc cũng chính thức áp thuế 5% lên sản phẩm dầu thô của Mỹ kể từ ngày 1/9. Đây là lần đầu tiên mặt hàng này của Washington chịu đòn thuế kể từ khi diễn ra cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế thế giới.

Trước đó, hồi tháng 8, Tổng thống Donald Trump đã đe dọa tăng thêm 5% với tất cả 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sau khi Bắc Kinh công bố gói thuế mới với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Mỹ sẽ tiếp tục đánh thuế 15% với các mặt hàng như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, đồ chơi và hàng hóa của Trung Quốc từ ngày 15/12. Đại diện thương mại Mỹ (USTR)  nói rằng họ sẽ tiếp nhận ý kiến cộng đồng đến ngày 20/9 về khả năng tăng thuế lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, hiện đang chịu mức thuế 25%.
Theo số liệu từ USTR, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đạt giá trị khoảng 557,9 tỷ USD trong năm 2018.
Những gói thuế “ăn miếng trả miếng” mới được đưa ra bất chấp việc  hai nước có kế hoạch nối lại đàm phán trong tháng này.
Các DN và nhà đầu tư ngày càng lo ngại rằng một cuộc chiến thương mại kéo dài có thể thúc đẩy sự mở rộng dài nhất trong lịch sử, với tín hiệu suy thoái quan trọng lần đầu tiên xuất hiện trong hơn một thập kỷ vào giữa tháng 8.
Trong hai năm qua, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã ra sức tăng cường áp lực lên Trung Quốc nhằm buộc nước này phải thay đổi chính sách về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, mở cửa thị trường và cơ chế bảo hộ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phủ nhận đang áp dụng cơ chế thương mại thiếu công bằng.

Khó kỳ vọng vào một thỏa thuận thương mại
Quyết định tăng thuế mới đáp trả lẫn nhau diễn ra trong bối cảnh các nhà đàm phán thương mại Mỹ - Trung dự kiến gặp nhau trong tháng này. "Chúng ta sẽ thắng trong cuộc chiến này", Tổng thống Trump phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng hôm 30/8.
Giới quan sát cho rằng, khi các nhà đàm phán thương mại hai nước nối lại vòng đàm phán trực tiếp trong thời gian gần đây, cả Mỹ và Trung Quốc dường như không sẵn sàng nhượng bộ để đạt một thỏa thuận tiến tới chấm dứt cuộc xung đột thương mại kéo dài hơn 1 năm qua.
Đặc biệt, trong cuộc đàm phán mới nhất kéo dài 2 ngày tại Thượng Hải vào cuối tháng 7, cả hai bên chỉ đồng ý tiếp tục gặp lại nhau tại Mỹ vào tháng 9 này, song không đạt được tiến bộ đáng kể nào.
Các nhà phân tích chính trị nhận định rằng mặc dù tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới giảm tốc do áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc khó có thể đưa ra nhiều nhượng bộ hơn trước khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên.
Ông Ding Xueliang - Giám đốc Viện nghiên cứu lợi ích nước ngoài của Trung Quốc của trường Đại học Thâm Quyến, cho biết: "Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thực sự đang phải đối mặt với áp lực rất lớn [từ thuế quan của Mỹ]. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng họ muốn giữ vững lập trường hiện tại để chờ đợi xem liệu ông Trump có thể tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 hay không”.
Theo chuyên gia Ding Xueliang, giới chức Trung Quốc muốn kéo dài quá trình đàm phán và không muốn nhượng bộ Mỹ trong thời điểm hiện tại. “Bắc Kinh có thể tin rằng chưa đến lúc cần phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định từ phía Mỹ” – ông Ding Xueliang cho hay.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình dự buổi tiệc tối tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 9/11/2017.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy GDP của nước này trong quý II/2019 chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, chứng kiến mức tăng chậm nhất trong 27 năm qua.
Bất chấp số liệu tăng trưởng GDP suy yếu, các nhà kinh tế Trung Quốc cho rằng giới chức Trung Quốc dường như đã sẵn sàng đón nhận tác động tiêu cực của gói thuế mới của Mỹ.
“Trong bối cảnh kết quả các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ có thể không đạt tiến triển, cũng như ảnh hưởng từ các gói thuế mới của Washington, các chính sách kinh tế mới dự kiến được thông qua tại cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong nước trong dài hạn", nhà phân tích trưởng về kinh tế vĩ mô Shen Xinfeng tại công ty Chứng khoán Đông Bắc, nhận định.
Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến dài như chiến tranh thương mại Mỹ - Nhật vào những năm 1980, cuộc chiến kéo dài hơn 1 thập kỷ - chuyên gia kinh tế về Trung Quốc Yi Xiong thuộc ngân hàng Deutsche Bank nhận xét trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn.
"Chúng tôi cho rằng Trung Quốc hiện tại vừa không muốn nhanh chóng đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ, vừa không muốn đáp trả Mỹ mạnh tới mức mà họ có thể", ông Xiong đánh giá. "Chiến lược hiện nay của Trung Quốc có thể mang một tầm nhìn dài, xa hơn thời gian mà chính quyền hiện tại của Mỹ có thể cầm quyền"./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần