Mỹ - Trung cùng "cố thủ" ở Thiên Tân

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm 26/7, phái đoàn Mỹ do Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman dẫn đầu đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và các quan chức khác tại Thiên Tân, Trung Quốc. Nhưng thay vì đàm phán, cả 2 bên đều đòi hỏi bên kia phải nhượng bộ để cải thiện mối quan hệ.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Thiên Tân, Trung Quốc, ngày 26/7. Ảnh: CNN
Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả các cuộc họp hôm 26/7 là "thẳng thắn và cởi mở", khá tương đồng với thông báo của Bắc Kinh về cuộc gặp "có chiều sâu và thẳng thắn".

Trong khi cuộc gặp ở Thiên Tân được cho không thể hiện thái độ đối đầu gay gắt bên ngoài như ở Alaska hồi tháng 3 năm nay. Hai bên dường như lại không thực sự đàm phán bất cứ điều gì, mà thay vào đó là cùng "cố thủ" với danh sách các yêu cầu riêng của mình.

Bà Wendy Sherman đã thúc ép Trung Quốc về những hành động mà Washington nói là "đang đi ngược lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ", bao gồm vấn đề ở Hong Kong, Tân Cương, quyền tự do báo chí...

Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với báo giới sau cuộc đàm phán: "Tôi không thấy Mỹ đang tìm cách lôi kéo bất kỳ sự hợp tác của Trung Quốc", khi người này đề cập đến một số mối quan tâm toàn cầu hiện nay như biến đổi khí hậu, vấn đề Iran, Afghanistan và Triều Tiên.

Về phần mình, ông Vương Nghị khẳng định trong một tuyên bố rằng mọi thứ là tùy thuộc vào hành động của Mỹ: "Khi cần tôn trọng các quy tắc quốc tế, chính Mỹ phải suy nghĩ lại, đồng thời yêu cầu Washington dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt và thuế quan đơn phương đối với Trung Quốc"

Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây đã báo hiệu rằng có thể đưa ra những điều kiện tiên quyết đối với Mỹ về bất kỳ hình thức hợp tác nào - một lập trường mà một số nhà phân tích cho rằng đó là một công thức để "ngoại giao hóa" và mang lại triển vọng cải thiện quan hệ 2 bên.

Tuy nhiên, Bonnie Glaser - chuyên gia về châu Á tại Quỹ Marshall của Mỹ - lưu ý rằng điều quan trọng là 2 bên phải duy trì một số hình thức cam kết, trong khi cuộc gặp ở Thiên Tân dường như không đạt được thỏa thuận nào trong việc cho các cuộc họp tiếp theo, cho thấy một cơ chế đối thoại nào đang diễn ra.

"Điều đó có thể sẽ khiến các đồng minh và đối tác của Mỹ không yên tâm. Họ đang hy vọng về sự ổn định và khả năng có thể dự đoán cao hơn trong mối quan hệ Mỹ - Trung", bà Glaser nói với Reuters, "cả hai bên có thể sẽ thất vọng nếu họ mong đợi bên kia nhượng bộ trước".

Đã có một số kỳ vọng trong giới chính sách đối ngoại rằng tại G20 Italia vào tháng 10 tới, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung đầu tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ diễn ra bên lề. Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki đã loại trừ việc triển vọng này được thúc đẩy ở Thiên Tân, mặc dù cho biết vẫn hy vọng vào các cơ hội tiếp theo.

Trong khi đó, đã có các dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden có thể mở rộng quy mô các hành động thực thi tác động lớn đến Bắc Kinh, chẳng hạn như quyết định trấn áp hoạt động bán dầu của Iran cho Trung Quốc, hay hội nghị thượng đỉnh vào cuối năm nay của "Bộ Tứ Kim Cương".

Đồng thời, hợp tác về đại dịch dường như đi vào bế tắc, với việc Washington chỉ trích Bắc Kinh từ chối kế hoạch điều tra thêm về nguồn gốc Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là "nguy hiểm" và "vô trách nhiệm".

Reuters dẫn lời chuyên gia nghiên cứu Eric Sayers tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cho biết: "Điều được thể hiện ở Thiên Tân là cả 2 bên vẫn còn khẳng cách rất xa trong cách họ nhìn nhận giá trị và vai trò của việc kết nối bằng ngoại giao".

Trong khi đó, Scott Kennedy - một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington, nhận định, hiện tại cả Washington và Bắc Kinh đều không nhận thấy nhiều lợi thế hơn trong việc hợp tác, do nó đi kèm với những vấn đề nội bộ mỗi quốc gia và chiến lược của mỗi chính quyền.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên kỳ vọng quá cao về việc hai bên sẽ tìm thấy điểm chung và ổn định mối quan hệ trong tương lai gần", ông Scott nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần