Rất khó để so sánh tầm ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc tại Trung Đông khi cả hai đang có những ưu thế nhất định ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Washington rõ ràng vượt trội về quân sự so với Bắc Kinh, đặc biệt là lực lượng hải quân và đội đặc chiến. Ngược lại, Bắc Kinh có đóng góp về kinh tế và công nghệ tại các quốc gia Vùng Vịnh nhiều hơn Washington.
Chênh lệch lớn về quân sự
Tính đến thời điểm hiện tại, hải quân Trung Quốc gần khu vực Trung Đông tương đối hạn chế, với khoảng 200 lính thủy đánh bộ tại căn cứ hải quân Djibouti. Lực lượng này chủ yếu chống cướp biển và cứu hộ dân sự.
Theo Lầu Năm Góc, chỉ với khoảng 30.000 linh thủy đánh bộ và 12.000 quân đặc biệt, Trung Quốc đang tìm cách bù đắp chênh lệch quân số với Mỹ - quốc gia có khoảng 200.000 lính thủy và 70.000 quân đặc biệt.
Tuy nhiên, sau khi đánh giá năng lực quân đội Trung Quốc, Viện Doanh nghiệp Mỹ cho biết: “Bắc Kinh đã quá quen với tình trang thiếu hụt quân đội mà tập trung vào các cam kết kinh tế và chính sách ngoại giao. Do vậy, Washington nên sẵn sàng đối phó điều này”.
Quân đội càng nhiều đồng nghĩa với chi phí càng lớn. Vào tháng 8/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng phàn nàn rằng trong khi Trung Quốc đang quá thoải mái ở Vịnh Ba Tư thì Mỹ phải bỏ chi phí khổng lồ cho quân đội để bảo vệ nguồn cung dầu cho quốc gia tỷ dân.
Bên cạnh đó, việc Bắc Kinh không cần hao tổn quá nhiều quân lực duy trì an ninh Trung Đông sẽ giúp siêu cường này có thể dồn lực cho phòng thủ bờ biển, bao gồm tên lửa tầm trung và tầm xa, máy bay đánh chặn J-20, vệ tinh, tác chiến điện tử và tàu ngầm.
Trong khi đó, do lập trường không muốn xảy ra xung đột với Mỹ ở Trung Đông, Bắc Kinh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế thay vì quân sự.
Nhà nghiên cứu Pan Guang của Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cho biết: “Đầu tư kinh tế của Trung Quốc và đầu tư quân sự của Mỹ có thể bổ sung cho nhau ở một số nơi, trong đó có Trung Đông. Mỹ có một số căn cứ quân sự lớn ở các quốc gia Vùng Vịnh, lớn nhất là ở Qatar để đảm bảo an ninh cho khu vực này. Còn Trung Quốc đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế. Hai nhiệm vụ này không hề đối lập mà còn bổ sung cho nhau”.
Cán cân kinh tế đang nghiêng về Trung Quốc
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Ả Rập Saudi vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 đạt 45 tỷ USD, gần gấp đôi so với trước Covid-19. Ngược lại, xuất khẩu của Mỹ sang quốc gia này giảm từ 19 tỷ USD năm 2015 xuống 11,5 tỷ USD năm 2022.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng là nhà đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông, năng lượng mặt trời và công nghệ cao cho Ả Rập Saudi.
Với Israel, Trung Quốc cũng tăng gấp đôi lượng xuất khẩu trong khoảng thời gian từ 2018 đến 2021.
Riêng xuất khẩu của Trung Quốc sang Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gấp ba lần so với trước Covid-19.
Ngoài ra, quốc gia tỷ dân cũng đưa ra những cam kết với Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Á về xây dựng hệ thống giao thông trên toàn châu lục. Đây sẽ là những tuyến giao thương quan trọng giữa Trung Quốc và các nước Trung Đông khi xung đột giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới vẫn tiếp diễn.
Nhìn chung, mỗi bên đều có những ưu thế khác nhau để duy trì tầm ảnh hưởng ở Trung Đông. Với Mỹ, đó là quân sự hùng mạnh cùng mối quan hệ lâu dài với Ả Rập Saudi và một vài quốc gia Trung Đông khác. Còn Trung Quốc đang có những động thái hỗ trợ kinh tế mạnh mẽ như: Sáng kiến Vành đai và Con đường, một loạt dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng hay nỗ lực hòa giải thành công mối quan hệ Ả Rập Saudi và Iran sau nhiều năm.
Tất nhiên, về lâu dài, hai siêu cường vẫn ngấm ngầm tận dụng lợi thế của mình cũng như khái thác yếu điểm của đối phương để nâng tầm ảnh hưởng tại một trong những khu vực giàu tiềm năng nhất thế giới.