Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Mỹ - Trung Quốc thống nhất khung thỏa thuận thương mại Geneva tại London

Kinhtedothi - Sau hai ngày đàm phán căng thẳng tại London (Anh), Mỹ và Trung Quốc đã đạt được bước tiến quan trọng trong việc khôi phục thỏa thuận thương mại ở Geneva (Thụy Sĩ), đánh dấu một nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Khung thỏa thuận mới, được công bố sau cuộc đàm phán giữa đại diện thương mại hai nước tại London hôm 10/6, được kỳ vọng sẽ đưa các cam kết trước đó trở lại đúng hướng, đặc biệt là vấn đề xuất khẩu đất hiếm và giảm các rào cản thương mại. Tuy nhiên, khung này vẫn cần sự phê duyệt cuối cùng từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi được triển khai.

Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc đang ở giai đoạn nhạy cảm. Chỉ cách đây vài tuần, cả hai bên liên tục cáo buộc nhau vi phạm tinh thần của thỏa thuận Geneva, được ký kết vào giữa tháng 5.

Thỏa thuận này từng được kỳ vọng sẽ cải thiện tình hình căng thẳng thương mại, khi hai nước đồng ý tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày và giảm một số biện pháp hạn chế thương mại, bao gồm cam kết từ Trung Quốc về việc đẩy nhanh cấp phép xuất khẩu các khoáng sản quan trọng, đặc biệt là đất hiếm. Tuy nhiên, những tranh cãi về việc thực thi đã khiến tình hình leo thang, với các biện pháp trả đũa từ cả hai phía.

Bước đột phá sau cuộc điện đàm

Căng thẳng thương mại giữa hai nước bắt đầu hạ nhiệt sau cuộc điện đàm kéo dài 90 phút giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 5/6. Cuộc gọi này, được Tổng thống Trump mô tả là “rất tích cực”, đã mở đường cho các cuộc đàm phán cấp cao tại London.

Phái đoàn Mỹ, do Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent dẫn đầu, đã gặp gỡ nhóm đàm phán Trung Quốc do Phó Thủ tướng Hà Lập Phong và Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Thao đứng đầu. Sau những phiên thảo luận kéo dài, hai bên tuyên bố đã đạt được “khuôn khổ nguyên tắc” để thực hiện các cam kết từ Geneva.

Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Lý Thành Cương trả lời phỏng vấn báo chí sau cuộc đàm phán thương mại với phái đoàn Mỹ tại London hôm 10/6. Ảnh: CGTN

Theo Bộ trưởng Lutnick, khung thỏa thuận này sẽ giải quyết các vấn đề cốt lõi, đặc biệt là việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm và nam châm chứa đất hiếm, những vật liệu thiết yếu cho sản xuất công nghệ cao, từ xe điện, chất bán dẫn đến thiết bị quân sự. Đổi lại, Mỹ cam kết xem xét dỡ bỏ một số hạn chế gần đây đối với xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc, bao gồm động cơ phản lực và phần mềm thiết kế chip.

“Chúng tôi hy vọng các hạn chế về đất hiếm sẽ được giải quyết trong quá trình triển khai khung này,” ông Lutnick nhấn mạnh, đồng thời cho biết phái đoàn Mỹ sẽ trở về Washington để trình bày kế hoạch với Tổng thống Trump.

Phía Trung Quốc, đại diện bởi Thứ trưởng Thương mại Lý Thành Cương, cũng xác nhận sự đồng thuận về khung thỏa thuận thương mại mới với Mỹ. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc tỏ ra thận trọng, với bản tin từ các hãng thông tấn trong nước chỉ đề cập chung chung rằng kết quả đàm phán “có lợi cho việc xây dựng lòng tin giữa hai nước”. 

Thách thức phía hậu trường

Đằng sau khung thỏa thuận là những cuộc thương lượng đầy khó khăn. Trung Quốc, dưới sự dẫn dắt của Phó Thủ tướng Hà Lập Phong, một trong những trợ lý thân cận của Chủ tịch Tập Cận Bình, đã yêu cầu Mỹ nới lỏng đáng kể các hạn chế đối với việc bán công nghệ và sản phẩm khác cho nước này. 

Trong khi đó, Mỹ tập trung vào việc đảm bảo Trung Quốc thực hiện cam kết đẩy nhanh cấp phép xuất khẩu đất hiếm, vốn bị chậm trễ kể từ sau khi hai nước đạt được thỏa thuận tại Geneva. Những bất đồng này phản ánh sự phức tạp trong việc cân bằng lợi ích giữa hai nền kinh tế, vốn đang chịu áp lực từ các cuộc chiến thương mại kéo dài.

Thực tế, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã gây ra những tổn thất đáng kể. Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong tháng 5 đã giảm 34%, mức thấp nhất kể từ giai đoạn đầu đại dịch Covid-19 năm 2020, trong khi nền kinh tế Mỹ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu suy yếu ở thị trường lao động và lạm phát gia tăng.

Thỏa thuận Geneva từng đem lại tia hy vọng khi hai bên đồng ý giảm thuế xuống còn 30% đối với hàng Trung Quốc và 10% đối với hàng Mỹ, đồng thời cam kết tháo gỡ các rào cản phi thuế quan. Tuy nhiên, những hành động sau đó, như việc Mỹ hạn chế sử dụng chip Huawei Ascend và rút thị thực của sinh viên Trung Quốc, hay việc Trung Quốc chậm cấp phép xuất khẩu đất hiếm, đã làm lung lay niềm tin vào thỏa thuận.

Do đó, khung thỏa thuận mới tại London được xem là nỗ lực để đưa mọi thứ trở lại đúng hướng, nhưng việc thiếu chi tiết công khai về nội dung cụ thể khiến giới quan sát lo ngại về tính bền vững của nó.

Trong bối cảnh này, vai trò của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc trở nên then chốt. Tổng thống Trump, người từng gọi thỏa thuận Geneva là “sự thiết lập lại hoàn toàn” trong quan hệ thương mại, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề đất hiếm. Trong khi đó, Trung Quốc, thông qua các kênh truyền thông chính thức như Tân Hoa Xã, cũng bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ kinh tế với Mỹ, dù vẫn chỉ trích Washington “quá xem trọng an ninh” trong các vấn đề thương mại.

Nếu được phê duyệt và triển khai, khung thỏa thuận ở London không chỉ giúp giảm căng thẳng thương mại mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nền kinh tế, từ việc ổn định chuỗi cung ứng công nghệ cao đến cải thiện niềm tin thị trường. Tuy nhiên, tính bền vững của nó còn phụ thuộc vào việc các bên có thể duy trì cam kết và tránh những hành động trả đũa mới hay không.

Trung Quốc liên tục siết đất hiếm, Mỹ và EU lo đòn phản công kinh tế

Trung Quốc liên tục siết đất hiếm, Mỹ và EU lo đòn phản công kinh tế

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Kỳ diệu người đàn ông sống sót sau thảm kịch Air India

Kỳ diệu người đàn ông sống sót sau thảm kịch Air India

13 Jun, 09:51 AM

Kinhtedothi - Trong số 242 người trên chuyến bay định mệnh của Air India gặp nạn tại Ahmedabad hôm 12/6, chỉ một người sống sót. Ông Vishwashkumar Ramesh, quốc tịch Anh gốc Ấn, đang được điều trị tại bệnh viện trong tình trạng hồi phục và ổn định.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ