Mỹ ủng hộ các sáng kiến mới nhằm mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các sáng kiến này nhằm giúp khu vực ASEAN phục hồi sau đại dịch Covid-19, ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nguồn vốn con người.

 Tổng thống Joe Biden ngày 26/10 (giờ Mỹ) đã tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Reuters
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 9 theo hình thức trực tuyến hôm 26/10, Tổng thống Joe Biden đã công bố ý định hỗ trợ 102 triệu USD cho các sáng kiến mới nhằm mở rộng quan hệ đối tác Mỹ-ASEAN.
Các sáng kiến này nhằm giúp khu vực phục hồi sau đại dịch Covid-19, ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nguồn vốn con người. Điều này thể hiện cam kết sâu sắc của Chính quyền Biden-Harris đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Về Sáng kiến Tương lai Y tế Hoa Kỳ-ASEAN, Hoa Kỳ cam kết dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch Covid-19. Hoa Kỳ dự định tài trợ lên tới 40 triệu USD cho những nỗ lực mới nhằm thúc đẩy thực hiện nghiên cứu chung, tăng cường năng lực hệ thống y tế, và phát triển nguồn vốn con người thế hệ tiếp theo trong lĩnh vực y tế thông qua sáng kiến Tương lai Y tế Hoa Kỳ-ASEAN.
Những nỗ lực này tiếp tục được thực hiện dựa trên hơn 3,5 tỷ USD mà Hoa Kỳ đã đầu tư để hỗ trợ y tế công cộng tại khu vực ASEAN trong 20 năm qua. Sáng kiến Tương lai Y tế sẽ vừa giúp giải quyết đại dịch hiện tại, vừa tăng cường năng lực của ASEAN trong việc ngăn ngừa, phát hiện, và ứng phó với các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người và các bệnh truyền nhiễm khác trong tương lai. Các hoạt động của Sáng kiến có thể bao gồm: Mở rộng Hệ thống Điều phối Khẩn cấp Y tế Công cộng tại khu vực ASEAN (APHECS) của tổ chức USAID để hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN ứng phó với đại dịch Covid-19 và các tình huống khẩn cấp về y tế công cộng khác thông qua một khung hoạt động của khu vực để đưa ra hướng dẫn về điều phối và truyền thông trong các tình huống khẩn cấp về y tế công cộng;
Tài trợ thực hiện nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở khu vực ASEAN giữa các nhà khoa học Hoa Kỳ và các nhà khoa học khởi đầu sự nghiệp ở Đông Nam Á, bao gồm tập trung vào thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực này;
Hỗ trợ các dự án giúp kiểm soát lây truyền bệnh lao liên quan đến các vấn đề di cư và xuyên biên giới bằng cách phát triển hệ thống báo cáo xuyên quốc gia và xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về bệnh lao;
Hợp tác với các bệnh viện trong khu vực thông qua thỏa thuận hợp tác mới với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ để phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa về bệnh truyền nhiễm mới nổi trước khi dịch bệnh lây lan;
Thúc đẩy hợp tác để xây dựng, thực hiện, và thực thi các quy định và thực hành tốt nhất nhằm giảm thiểu nguy cơ mầm bệnh lây lan từ động vật hoang dã và tăng cường các cơ chế giám sát, cảnh báo sớm, phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm từ động vật;
Mở rộng Mạng lưới Cựu sinh viên chương trình Tương lai Y tế Hoa Kỳ-ASEAN với việc nâng cao năng lực thông qua các chương trình, bao gồm chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo cho các thủ lĩnh trẻ (Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á - YSEALI), Học bổng về Quản lý Các Tình huống Y tế Công cộng Khẩn cấp của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, và các chương trình Fulbright Hoa Kỳ-ASEAN;
USAID thực hiện hỗ trợ để thúc đẩy thống nhất các tiêu chuẩn dược phẩm và chất lượng sản phẩm tại khu vực ASEAN;
Chia sẻ thông tin và củng cố mạng lưới để phát hiện và chống lại các mầm bệnh và vec-tơ truyền bệnh về kháng thuốc kháng sinh nguy cơ cao, ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc kháng sinh, và tăng cường trao đổi kỹ thuật trong lĩnh vực y tế về các mối đe dọa đại dịch mới nổi;
Chuyển đổi đội ngũ nhân lực y tế của các quốc gia ASEAN, chương trình giảng dạy y tế công cộng trong trường đại học, và đào tạo các chuyên gia y tế thế hệ tiếp theo thông qua các phương pháp tiếp cận đa ngành với dự án “One Health Workforce – Next Generation” (Lực lượng Cán bộ Y tế cho Thế hệ Tương lai); Tăng cường sự tham gia thông qua Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Hoa Kỳ về Y tế.
Đối với Sáng kiến Tương lai Khí hậu Hoa Kỳ-ASEAN, Hoa Kỳ dự định tài trợ lên tới 20,5 triệu USD cho sáng kiến Tương lai Khí hậu Hoa Kỳ-ASEAN nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và duy trì mục tiêu cấp bách là hạn chế sự nóng lên của trái đất ở mức 1,5 độ C. Các hoạt động của Sáng kiến có thể bao gồm: Khởi động Chương trình Hành động về Khí hậu giữa Hoa Kỳ-ASEAN để hỗ trợ hoạt động vì môi trường và sự phát triển bền vững của ASEAN thông qua thực hiện nghiên cứu, điều phối, và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và tăng cường triển khai Các Đóng góp Do Quốc gia Tự Quyết định;
Hợp tác với cộng đồng các quốc gia thành viên ASEAN thông qua chương trình “Clean Air Catalyst” (Nhân tố Thúc đẩy Không khí sạch) của USAID để hiểu rõ hơn về các nguồn ô nhiễm tại địa phương và xác định các giải pháp giúp mang lại tiến bộ bền vững về không khí sạch hơn và lành mạnh hơn;
Tăng cường thích ứng với khí hậu thông qua sáng kiến Mekong SERVIR của USAID hợp tác với NASA, nhằm khai thác công nghệ viễn thám và dữ liệu mở để giúp giải quyết các thách thức phát triển liên quan đến biến đổi khí hậu;
Mở rộng các nỗ lực về lưới điện thông minh thông qua Chương trình Lưới điện Thông minh khu vực Đông Nam Á mới của USAID nhằm khử cacbon và củng cố hệ thống điện của khu vực bằng cách tăng cường hoạt động thương mại năng lượng trong khu vực và đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ năng lượng sạch;
Đầu tư vào dự án “Sustainable Fish Asia” (Ngư nghiệp Bền vững tại châu Á) mới của USAID để tăng cường vai trò khu vực của ASEAN trong ngành ngư nghiệp, giải quyết các mối quan tâm về giới và lao động, tăng cường hoạt động thương mại và tuân thủ trong ngành ngư nghiệp, cũng như thúc đẩy các công cụ chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát;
Khởi động chương trình “Smart Transport Asia” (Giao thông Thông minh khu vực châu Á) để hỗ trợ các thực hành tốt nhất và các kỹ thuật hiện đại nhằm cải thiện hệ thống giao thông và các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu, tăng cường sử dụng các công nghệ giao thông sạch, giảm tiêu thụ năng lượng và khí thải;
Thành lập Quỹ  “Smart Cities Business Innovation” (Đổi mới Sáng tạo xây dựng Thành phố Thông minh) để giúp các thành phố trong khu vực ASEAN phát triển và áp dụng các đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ thực hiện thay đổi mang tính chuyển đổi cần thiết để giải quyết các thách thức đô thị trong hiện tại và tương lai;
Thúc đẩy sự tham gia thông qua tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Hoa Kỳ về Môi trường và Biến đổi khí hậu, và tiếp tục tổ thức Hội nghị Bộ trưởng  ASEAN-Hoa Kỳ về Năng lượng. Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Hoa Kỳ về Năng lượng đầu tiên được tổ chức vào tháng 9/2021.
Đối với Sáng kiến Tương lai Kinh tế Hoa Kỳ-ASEAN, chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra cơ hội kinh tế, và xây dựng lại tốt hơn sau những thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Hoa Kỳ có kế hoạch tài trợ 10 triệu USD dưới hình thức các khoản vay mới và dự định tiếp tục tài trợ lên tới 10 triệu USD để hỗ trợ hợp tác Hoa Kỳ-ASEAN về thương mại và đổi mới sáng tạo. Các hoạt động của Sáng kiến có thể bao gồm: Mở rộng hỗ trợ của USAID đối với Cơ chế Một cửa ASEAN để thúc đẩy sự phát triển toàn cầu của các hệ thống Cơ chế Một cửa có thể tương tác nhằm tạo thuận lợi cho thương mại xuyên Thái Bình Dương và áp dụng các thực hành quốc tế tốt nhất trong công nghệ hải quan;
Khởi động Chương trình Hợp tác Đổi mới Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Hoa Kỳ-ASEAN (STIC) để hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo, hỗ trợ nền kinh tế kỹ thuật số và tạo điều kiện kết nối giữa các phòng thí nghiệm công và tư, học viện, các nhà hoạch định chính sách, các ngành, và hiệp hội doanh nghiệp ở Hoa Kỳ và ASEAN;
Tài trợ thông qua Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) cho Quỹ Integra Partners Fund II LP, một quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào việc thực hiện các khoản đầu tư mang lại tác động ở Đông Nam Á trong số các khoản đầu tư công nghệ trong giai đoạn đầu và theo định hướng mang tác động nhằm giải quyết khoảng cách cung cầu đáng kể trong các dịch vụ tài chính, bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe;
Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải thông qua Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Hoa Kỳ về Giao thông Vận tải.
Theo Sáng kiến “Billion Futures”, Hoa Kỳ cam kết khai phá tiềm năng của một tỷ người từ cả hai phía và sẽ công bố kế hoạch tài trợ với khoản vay 16 triệu USD liên quan đến giáo dục, 1,5 triệu USD cho đào tạo giáo viên tiếng Anh, và dự định thực hiện khoản tài trợ mới lên đến 4 triệu USD để thúc đẩy bình đẳng giới và công bằng. Các hoạt động của Sáng kiến có  thể bao gồm: Hỗ trợ các chương trình và sáng kiến về giới của ASEAN như Khung Chiến lược ASEAN về Lồng ghép Giới và Chương trình Nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của ASEAN;
Khởi động bảo lãnh danh mục khoản vay mới của Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ với Pintek, một công ty cho vay kỹ thuật số có trụ sở tại Indonesia, tạo điều kiện cho các khoản vay giáo dục về đào tạo nghề và giáo dục đại học;
Cấp khoản vay của Tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ  kéo dài 20 năm để hỗ trợ Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) tại Thành phố Hồ Chí Minh, trường đại học khai phóng độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam;
Tăng cường quan hệ giữa nhân dân Hoa Kỳ với nhân dân các nước ASEAN thông qua sáng kiến mới về Đào tạo Giáo viên Tiếng Anh (English Teacher Training Plus) nhằm nâng cao năng lực quốc gia về giảng dạy tiếng Anh ở các nước ASEAN;
Tăng cường sự tham gia và thúc đẩy bình đẳng giới, công bằng, và trao quyền thông qua Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Hoa Kỳ về Phụ nữ.
Nhà lãnh đạo Mỹ mong muốn được làm việc với Quốc hội để hỗ trợ những sáng kiến quan trọng này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần