Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ và châu Âu bên "bờ vực" của một cuộc khủng hoảng niềm tin

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những động thái gần đây của chính quyền Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là trong vấn đề Ukraine và mối quan hệ với Nga, khiến các đồng minh châu Âu lo ngại về tương lai của liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa ra những quyết định “gây sốc” về mặt đối ngoại, có nguy cơ làm rạn nứt những yếu tố được xem là "nền tảng" trong mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu.

Điều này tạo ra những thách thức chưa từng có mà châu Âu phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh Lạnh, và khiến giới quan sát lo ngại Mỹ đang từ bỏ vai trò lãnh đạo truyền thống của mình trong việc bảo đảm an ninh với các đồng mình bên kìa bờ Đại Tây Dương.

Những quyết định "xói mòn niềm tin”

Sự rạn nứt này được phơi bày trong quan điểm của mỗi bên về việc xử lý cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Thay vì tiếp tục ủng hộ Ukraine và duy trì sự thống nhất trong liên minh viện trợ quân sự cho Kiev, Tổng thống Trump và các cộng sự của ông, như Phó Tổng thống JD Vance và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, lại tìm cách đối thoái trực tiếp với Nga, đồng thời đặt dấu hỏi về vai trò của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Từ phải sang trái: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Paris (Pháp) tháng 12/2024. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine
Từ phải sang trái: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Paris (Pháp) tháng 12/2024. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine

Phát biểu tại Hội nghị An ninh cấp cao tổ chức tại Munich (Đức) tuần qua, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance thẳng thừng phê phán các chính sách di cư và tự do ngôn luận của các nước châu Âu. Ông tuyên bố: “Mối đe dọa với châu Âu mà tôi lo ngại nhất không phải Nga, Trung Quốc hay bất cứ yếu tố bên ngoài nào khác ... mà là nguy cơ từ bên trong, là sự thoái lui của châu Âu trong một số giá trị cơ bản nhất". Bài phát biểu này làm dấy lên làn sóng phản đối từ các lãnh đạo EU, những người cho rằng Mỹ đang cố tình gây chia rẽ liên minh này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth tuyên bố Mỹ không còn là "người bảo đảm chính" cho an ninh châu Âu. Quan điểm này được ông Hegseth đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump đã thảo luận về việc giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu, nhằm chuyển hướng tài nguyên và sự chú ý sang các điểm nóng chiến lược khác. Nhiều nhà phân tích lo ngại việc Mỹ rút quân có thể làm suy yếu NATO và gây bất ổn trong khu vực, đồng thời tăng cường sức mạnh của Nga tại Đông Âu.

Nhưng đáng chú ý hơn cả, Tổng thống Trump đã tiến hành đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về vấn đề Ukraine mà không cần sự tham vấn từ các đồng minh ở châu Âu. Một số nguồn tin tiết lộ, Mỹ sẵn sàng chấp nhận các yêu sách của Nga, bao gồm việc Ukraine từ bỏ quyền gia nhập NATO và công nhận các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng. Điều này trái ngược hoàn toàn với nguyên tắc "không có Ukraine thì không có quyết định về Ukraine" mà phương Tây từng cam kết. 

Châu Âu giữa "lằn ranh lịch sử"

Các lãnh đạo châu Âu như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang chật vật tìm cách ứng phó. Họ lo ngại một "thỏa thuận chớp nhoáng” giữa Mỹ và Nga sẽ khiến châu Âu phải gánh hậu quả, từ việc Ukraine mất chủ quyền đến nguy cơ Nga mở rộng ảnh hưởng sang các quốc gia vùng Baltic.

Nỗi lo càng lớn khi Mỹ đột ngột cắt viện trợ quân sự cho Ukraine, và đe dọa làm tê liệt hệ thống năng lượng và phòng thủ của nước này. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent thậm chí yêu cầu Ukraine chuyển giao quyền khai thác khoáng sản hiếm trị giá 500 tỷ USD để đổi lấy viện trợ từ Washington. Theo ghi nhận của báo New York Times, giới ngoại giao châu Âu ví đề xuất này như "chủ nghĩa thực dân kiểu mới". 

Trước những bất ổn trên, châu Âu buộc phải hành động độc lập. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất thành lập lực lượng quân đội chung của EU và tăng ngân sách quốc phòng lên 3% GDP. Ông cũng kêu gọi lãnh đạo các nước châu Âu tham dự cuộc họp khẩn cấp về vấn đề Ukraine được tổ chức ngày 17/2 tại Paris.

Một số nước như Phần Lan ủng hộ việc phát hành trái phiếu quốc phòng liên châu Âu, dù vấp phải tranh cãi về chia sẻ gánh nặng tài chính. Thậm chí, Thủ tướng Anh Keir Starmer còn đề xuất kế hoạch gửi quân đội đến Ukraine để hỗ trợ đảm bảo an ninh trong trường hợp bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Nga được ký kết.

Tuy nhiên, sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu vẫn là rào cản lớn. Đức phản đối kế hoạch phát hành trái phiếu quốc phòng chung, trong khi nhiều quốc gia Đông Âu e ngại việc triển khai quân đội đến Ukraine sẽ khiến họ "trơ trọi" trước mối đe dọa từ Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Margus Tsahkna nhấn mạnh: "Nếu ông Putin tiếp tục (các động thái quân sự), NATO sẽ bị thử thách". 

Tự cường hay phụ thuộc?

Cuộc khủng hoảng hiện tại đã đặt ra câu hỏi về tính bền vững của liên minh xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu. Dù châu Âu muốn độc lập hơn, họ vẫn phụ thuộc vào Mỹ về công nghệ quân sự, tình báo, và lá chắn hạt nhân. Ngược lại, Mỹ vẫn cần châu Âu chia sẻ gánh nặng tài chính nếu muốn duy trì tầm ảnh hưởng trên toàn cầu. 

Tuy nhiên, với cách tiếp cận theo chủ trương "Nước Mỹ trên hết" và những thỏa thuận đơn phương, Tổng thống Donald Trump đang biến Mỹ thành "nguồn cơn bất ổn" thay vì đối tác đáng tin cậy. Giới phân tích lo ngại, nếu xu hướng này tiếp diễn, châu Âu có thể buộc phải tái định hình an ninh dựa trên thực tế mới – một viễn cảnh tốn kém và đầy rủi ro. 

Nhưng dù tương lai có thể nào, một điều chắc chắn là châu Âu không thể tiếp tục dựa vào Mỹ như trước đây. Thay vào đó, họ cần phải tự lực hơn và tìm cách xây dựng một liên minh mạnh mẽ hơn, có khả năng đối phó với những thách thức mới trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị An ninh Munich 2025 không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh mà còn là cơ hội để châu Âu đoàn kết, như lời khẳng định của Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb: “Bi quan chỉ dẫn đến bất động, lạc quan mới tạo ra hành động”.