Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ và đồng minh xem xét giải phóng kho dự trữ dầu mỏ chiến lược

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ và các quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới đang cân nhắc giải phóng kho dự trữ chiến lược dầu mỏ nhằm hạ nhiệt giá “vàng đen” hiện đã vượt mức 100 USD/thùng.

Nỗ lực cân bằng cung-cầu dầu mỏ

Theo Reuters, nguồn tin từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, cho biết, Mỹ và các đồng minh đang xem xét cùng phối hợp “xả” lượng dầu dự trữ trong bối cảnh giá dầu lập mức đỉnh trong nhiều năm và nguồn cung thắt chặt sau khi xung đột Nga-Ukraine leo thang.

Mỹ và các đồng minh cân nhắc phối hợp giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược.
Mỹ và các đồng minh cân nhắc phối hợp giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược.

Giá dầu thể giới đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2014 sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, các đồng minh phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow, ngăn chặn một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu. Nhiều thương nhân đã tránh mua dầu của Nga và dầu nước này hiện đang giao dịch với mức chiết khấu nặng so với các mức giá tiêu chuẩn thế giới.

Nga là một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới khi xuất khẩu khoảng 4-5 triệu thùng/ngày dầu thô và 2-3 triệu thùng/ngày các sản phẩm tinh chế khác. Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản là những khách hàng lớn nhất của Nga.

Theo ông Fatih Birol - Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cơ quan này sẽ tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng bất thường trong ngày  thứ Ba (1/3). Cuộc họp do Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm chủ trì sẽ liên quan đến "tác động của xung đột giữa Nga và Ukraine đối với nguồn cung dầu và cách các thành viên IEA có thể đóng vai trò trong việc ổn định thị trường năng lượng", ông Fatih Birol cho biết.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây chỉ nhằm vào các ngân hàng Nga, không áp đặt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga để tránh tạo thêm gánh nặng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt này cũng gây khó khăn trong thanh toán toàn cầu đối với giao dịch hàng hóa của Nga. Những khách hàng mua dầu hàng đầu của Nga đã phải vật lộn để có được các khoản bảo lãnh tại các ngân hàng phương Tây hoặc tìm tàu ​​để lấy dầu thô từ Nga.

Theo các nguồn tin OPEC+ tiết lộ với Reuters, tập đoàn năng lượng khổng lồ BP của Anh đã hủy các chuyến tải dầu nhiên liệu từ cảng Taman của Nga, đồng thời thoái toàn bộ cổ phần trong tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga. Trong khi đó, ngày 28/2, Anh đã ra lệnh cho các cảng của mình chặn bất kỳ tàu nào gắn cờ Nga hoặc có kết nối với Nga.

Tổng thống Joe Biden từng tuyên bố rằng ông muốn "hạn chế nỗi đau" mà người Mỹ đang cảm thấy khi bơm xăng. Tuy nhiên, ông Biden đã cảnh báo các biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhất đối với Nga có thể khiến giá dầu tiếp tục đi lên. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga là không thể bàn cãi, và điều này cũng có thể gây ra "những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng thế giới, đặc biệt là của chúng ta và châu Âu".

Hiệu quả của việc giải phóng kho dự trữ

Trong tuần trước, một nguồn tin chính phủ Mỹ tiết lộ, các cuộc đàm phán với IEA về việc giải phóng nguồn dầu dự trữ đang ở "giai đoạn đầu". Theo nguồn tin cấp cao trong ngành, số lượng dầu dự trữ sẽ được giải phóng hiện chưa được quyết định.

Khi lập kế hoạch, chính quyền Tổng thống Biden mong muốn OPEC+ sẽ tăng nguồn cung nhanh hơn khi các nền kinh tế tăng tốc phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, không có cuộc tham vấn nào diễn ra với Ả Rập Saudi liên quan đến việc Mỹ và các nước đồng minh giải phóng kho dự trữ chiến lược dầu mỏ.

Giới chuyên gia năng lượng nhận định rằng việc Mỹ và các nước tiêu thụ nhiên liệu hàng đầu “xả” kho dự trữ dầu mỏ có thể giúp giá mặt hàng này giảm trong ngắn hạn, song đà giảm sẽ khó duy trì lâu dài.

“Điều này sẽ có tác động đáng kể đến tâm lý thị trường dầu mỏ, bởi vì nó sẽ báo hiệu cho thị trường rằng các quốc gia tiêu thụ dầu chính quyết tâm cố gắng ngăn chặn sự tăng vọt của giá dầu” - các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng FG Energy nhận xét.

Trước đó, hồi tháng 11/2021, Mỹ cũng đã công bố giải phóng 50 triệu thùng từ kho dự trữ chiến lược của Mỹ, một quyết định được thực hiện cùng với các quốc gia tiêu thụ dầu bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

Cho đến nay, chỉ có Mỹ giải phóng khối lượng lớn lượng dầu dự trữ, với mức dầu dự trữ chiến lược của nước này giảm xuống chỉ còn hơn 580 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2002.

Tờ Wall Street Journal đưa tin, các quốc gia đang xem xét giải phóng 70 triệu thùng, trong khi Bloomberg đưa tin các quốc gia đang cân nhắc giải phóng khoảng 60 triệu thùng.

Theo các quan chức được Wall Street Journal trích dẫn, các thành viên của IEA có thể đồng ý sớm nhất trong ngày thứ Ba (1/3) để khai thác kho dự trữ dầu chiến lược.