Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ và Đức leo thang bất đồng quanh việc “cấm cửa” 5G Huawei

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nhà sử học kinh tế người Đức Alexander von Witzleben, vấn đề cơ sở hạ tầng internet chỉ là vấn đề mới nhất trong những bất đồng ngày càng gia tăng giữa Berlin và Washington.

Bất chấp Mỹ liên tục gây sức ép liên quan đến vấn đề thiết bị 5G của Huawei, phía Đức đã lên tiếng bác bỏ những lo ngại về an ninh của Washington đối với các thiết bị của tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh rằng Berlin sẽ xác định và tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh của chính họ.
 Mỹ cảnh báo hạn chế chia sẻ tin tình báo nếu Đức bắt tay với Huawei
Trong tuần trước, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell đã đe dọa sẽ hạ cấp mạnh mẽ hợp tác chia sẻ thông tin tình báo với Berlin nếu cho phép gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei xây dựng mạng di động 5G thế hệ tiếp theo tại nước này.
Phía Washington cáo buộc tập đoàn Huawei là đối tác thiếu tin cậy, để xây dựng mạng không dây thế hệ mới 5G.
Ngày 11/3, tờ Wall Street Journal dẫn bức thư của Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell gửi tới Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier nêu rõ luật pháp Trung Quốc quy định, các công ty Trung Quốc phải hỗ trợ các cơ quan an ninh nước này khi được yêu cầu và các cuộc điều tra về phần mềm của Huawei không thể đảm bảo chắc chắn rằng sẽ không có nguy cơ bị tấn công về an ninh.
 Huawei là nhà cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các thiết bị thông tin hàng đầu thế giới.
Đại sứ Grenell nhấn mạnh rằng nếu Đức "bắt tay" với Huawei, Washington sẽ lập tức hạn chế chia sẻ các thông tin tình báo cũng như các thông tin trao đổi khác với Berlin.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier xác nhận ông đã nhận được bức thư của Đại sứ Grenell. Tuy nhiên, ông không bình luận về nội dung của bức thư này, ngoài câu phát biểu: "Chúng tôi sẽ trả lời sớm."
Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình về việc liệu chính phủ có kế hoạch cấm Huawei xây dựng mạng lưới 5G hay không, Bộ trưởng Altmaier cho biết Đức sẽ không loại trừ bất kỳ công ty nào tham gia dự án này.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng nước này sẽ điều chỉnh quy định để đảm bảo rằng tất cả các thành phần được sử dụng trong mạng lưới 5G sẽ được bảo mật và không có vi phạm với các quy tắc bảo vệ dữ liệu.
Cũng giống như các quốc gia khác ở Liên minh châu Âu (EU), Đức đang phụ thuộc rất nhiều vào các thông tin về khủng bố và các mối đe dọa khác do Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) và các cơ quan tình báo khác của Mỹ cung cấp.
 Đức không đồng ý “cấm cửa” thiết bị 5G của Huawei
Chính phủ Đức bác bỏ những lo ngại về an ninh của Washington đối với các thiết bị của tập đoàn Huawei, khi Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh rằng Berlin sẽ xác định và tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh của nước này.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier hôm 13/3 cũng đưa ra tuyên bố nói rằng Berlin không có kế hoạch đóng cửa Huawei khỏi cuộc đấu giá giấy phép di động thế hệ thứ năm sắp tới.
Huawei là nhà cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các thiết bị thông tin hàng đầu thế giới, trong đó có mạng không dây thế hệ mới 5G.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ cho rằng các thiết bị Huawei có thể bị Chính phủ Trung Quốc thao túng nhằm phục vụ mục đích theo dõi các nước khác và phá vỡ các thông tin liên lạc quan trọng. Washington đang kêu gọi và gây áp lực với Berlin và các đồng minh châu Âu tẩy chay các thiết bị của Huawei trong bối cảnh thế giới đã sẵn sàng triển khai mạng viễn thông 5G cực nhanh.
 Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh rằng Berlin sẽ xác định và tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh của nước này trong việc lựa chọn nhà cung cấp 5G.
Mỹ, Australia, New Zealand cùng nhiều nước khác hiện đã cấm hoặc hạn chế sử dụng thiết bị của Huawei.
Trong khi đó, Huawei đã bác bỏ việc thiết bị của hãng này có thể bị dùng cho mục đích do thám. Hôm 7/3 vừa qua, Huawei đã đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ lên tòa án liên bang tại Plano, bang Texas, liên quan một đạo luật trong đó Washington cấm các cơ quan liên bang Mỹ sử dụng thiết bị của tập đoàn này, khẳng định lệnh cấm này là vi hiến.
Theo nhà sử học kinh tế người Đức Alexander von Witzleben, vấn đề lựa chọn nhà cung cấp thiết bị 5G chỉ là bất đồng mới nhất trong một loạt những tranh cãi đang gia tăng liên quan đến nhiều lĩnh vực khác giữa BerlinWashington.
"Nếu Đức quyết định không cấm triển khai thiết bị 5G của Huawei, điều này cũng không phải là xung đột đầu tiên trong quan hệ với Mỹ, vốn đã bất đồng về việc thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga, chính sách thuế quan của Mỹ đối với mặt hàng thép và xe ô tô”, nhà sử học Alexander von Witzleben viết trong một bài bình luận trên Sputnik.
Theo quan điểm của ông Witzleben, vấn đề Huawei không chỉ là một phần của cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Ủy ban châu Âu, việc này cũng chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Điều quan trọng nhất là Mỹ muốn hạn chế sức mạnh của Trung Quốc trong cuộc đua toàn cầu về đổi mới công nghệ tốc độ cao khi mà Bắc Kinh đã trở thành người dẫn đầu trong các ngành công nghiệp quan trọng, như ô tô điện, tàu cao tốc, viễn thông, quang điện và tái tạo. Điều này có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc đã không còn phụ thuộc vào việc phải nhập khẩu công nghệ từ phương Tây như 20 năm trước đây”, ông Witzleben phân tích.
Theo nhà sử học này, việc không sử dụng thiết bị 5G từ Huawei sẽ khiến các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải trì hoãn việc giới thiệu công nghệ 5G trong một vài năm, điều này sẽ làm chậm quá trình chuyển đổi công nghiệp và dịch vụ kỹ thuật số quan trọng.
Theo ông Witzleben, cả châu Âu và Mỹ đều có thể được hưởng lợi từ việc mua thiết bị 5G từ Huawei thay vì các nguồn cung của các nhà cung cấp hạ tầng internet truyền thống của phương Tây như Nokia, Cisco Systems và Ericsson với "chí phí đắt hơn và công nghệ kém hiện đại hơn".
Ông cùng Witzleben tin rằng Berlin sẽ không thay đổi chính sách đối với thiết bị 5G của Huawei trong thời gian sắp tới, đồng thời cho rằng các cáo buộc của Washington nói rằng thiết bị của tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc có nguy cơ hoạt động gián điệp là "không dựa trên sự thật".