Các nước này có phát ngôn và hành động riêng nhưng giữa họ với nhau cũng đã có các cuộc trao đổi sâu rộng để thống nhất quan điểm và phối hợp hành động. Có thể nhận thấy tất cả các nước này đều đã khác trước rất rõ nét về nhìn nhận thách thức trên mọi phương diện từ Trung Quốc đối với họ và đều đã có những điều chỉnh cơ bản chính sách đối với Trung Quốc, với tác động trực tiếp tới quan điểm và chính sách của họ tại khu vực Đông Á và khu vực Biển Đông.
Hình thức và mức độ hành động cụ thể của họ trên thực địa nhằm đối phó Trung Quốc có khác nhau nhưng các bên này giống nhau ở chỗ đều cho rằng bây giờ phải đối phó thật sự và quyết liệt với Trung Quốc chứ không thể chần chừ gì nữa, thậm chí bây giờ mới làm vậy thì có phần muộn, cho dù chưa phải đã quá muộn. Họ giống nhau ở chỗ đều tăng cường sự hiện diện quân sự trực tiếp ở khu vực mà một trong những mục tiêu chiến lược của họ ở đây là cảnh báo và răn đe Trung Quốc. Ngoài ra, trong đối sách của họ đối với Trung Quốc ở khu vực này luôn bao hàm 3 điểm là đàm bảo hiệu lực của luật pháp quốc tế và tự do hàng hải, là ngăn cản Trung Quốc làm thay đổi hiện trạng trên các khu vực biển, đặc biệt ở Biển Đông, và không để Trung Quốc gia tăng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với các bên liên quan khiến cho hoà bình, an ninh và ổn định chung của cả khu vực bị ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí cả bị đe doạ.Cục diện chính trị, an ninh ở khu vực vì thế bị tác động mạnh mẽ. Chuyện chính trị an ninh ở nơi đây đã trở thành vấn đề mới trong quan hệ giữa các nước thuộc khối Phương Tây và Mỹ. Mối quan hệ giữa các nước này với Mỹ trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục khác thời trước rất nhiều.