Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ và Việt Nam đạt thỏa thuận về minh bạch hoạt động tiền tệ

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài chính Mỹ ngày 19/7 thông báo, Mỹ và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về minh bạch hoạt động tiền tệ, chấm dứt những nghi ngại không có căn cứ đối với Việt Nam từ cuối nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump.

Ảnh minh họa.
Thông cáo được đưa ra trong một tuyên bố chung giữa Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, sau cuộc họp trực tuyến giữa Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. Theo tuyên bố, trong những tháng gần đây, cả hai bên đã thảo luận về quá trình tăng cường cam kết và đi đến đạt được thỏa thuận nhằm giải quyết những quan ngại của Bộ Tài chính Mỹ đối với hoạt động tiền tệ của Việt Nam.

Trong những tuần cuối nhiệm kỳ Tổng thống Trump, Việt Nam lần đầu tiên bị liệt vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden hồi tháng 4 vừa qua đã hủy bỏ quyết định này khi cho rằng không có đủ bằng chứng để kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ. Một quốc gia sẽ bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ nếu phù hợp với các tiêu chí: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD, thặng dư tài khoản vãng lai tương đương tối thiểu 2% GDP, can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc tuân thủ quy tắc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, “tránh thao túng tỷ giá hối đoái nhằm ngăn chặn hiệu quả điều chỉnh cán cân thanh toán hoặc để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh và sẽ không phá giá cạnh tranh đối với đồng Việt Nam”.
Trong thỏa thuận mới nhất với Bộ Tài chính Mỹ, NHNN Việt Nam cam kết sẽ minh bạch hơn nữa về tỷ giá và khuôn khổ chính sách tiền tệ, đồng thời nâng cao tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái theo thời gian, cho phép đồng Việt Nam vận động phù hợp với giai đoạn phát triển của thị trường tài chính, ngoại hối và các nền tảng kinh tế. NHNN Việt Nam cũng cam kết sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cần thiết để Bộ Tài chính Mỹ tiến hành phân tích kỹ lưỡng và báo cáo về hoạt động của NHNN trên thị trường ngoại hối trong báo cáo định kỳ 6 tháng của bộ này trước Quốc hội.

“Theo thời gian, việc NHNN Việt Nam chú ý đến những vấn đề này sẽ không chỉ giải quyết các mối quan tâm của Bộ Tài chính Mỹ, mà còn hỗ trợ sự phát triển hơn nữa của thị trường tài chính Việt Nam và nâng cao khả năng phục hồi tài chính và kinh tế vĩ mô của quốc gia”, Bộ trưởng Janet Yellen nói, hoan nghênh cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Bộ Tài chính Mỹ và NHNN Việt Nam.

Tuyên bố chung hôm 19/7 cũng nhấn mạnh Mỹ và Việt Nam là các đối tác tin cậy trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, trong bối cảnh 2 quốc gia đang nỗ lực hợp tác để vượt qua một số tranh chấp thương mại không đáng có. Theo Bloomberg, 76 hiệp hội, tổ chức kinh doanh lớn của Mỹ, bao gồm Phòng Thương mại Mỹ, Hiệp hội Bán lẻ Mỹ và Hiệp hội Internet Mỹ, mới đây kêu gọi Chính quyền Mỹ nên ưu tiên phối hợp làm việc hơn là áp thuế đối với sản phẩm của Việt Nam.

Trước đó, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thông báo tiến hành điều tra với gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và cân nhắc có nên áp thuế liên quan đến hoạt động tiền tệ của Việt Nam hay không. Tuy nhiên theo các DN Mỹ, không có đủ bằng chứng Việt Nam có hành vi không phù hợp trong những vấn đề trên, cảnh báo biện pháp thuế sẽ làm xói mòn mối quan hệ với một đối tác quan trọng này.

“Nếu chính quyền có những lo lắng về mối quan hệ thương mại với Việt Nam, thì cần lưu ý một yếu tố chính là không gia tăng các biện pháp thuế quan”, bức thư gửi Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai ngày 14/7 của nhóm hiệp hội DN Mỹ có viết: “Việt Nam gần đây nổi lên là thị trường cung cấp nguyên liệu thô và sản phẩm công nghiệp đầu vào quan trọng cho các nhà sản xuất Mỹ. Áp thuế đối với những sản phẩm này sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất Mỹ”.