Các nhà lập pháp Mỹ hiện đang thực hiện việc chất vấn với Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew nhằm xác minh tính độc lập của TikTok đối với Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, có lẽ những câu trả lời từ ông Chew khiến họ khó có thể yên tâm
“Những gì ông Chew phát biểu tại phiên điều trần cho thấy ByteDance vẫn đang kiểm soát TikTok”-CNBC dẫn lời của ông Cameron Kelly - một thành viên tại Viện Brookings - vào hôm 24/3 .
Việc các bằng chứng cho thấy ByteDance có quyền kiểm soát hợp pháp đối với TikTok đang làm dấy lên những nghi ngại về tính độc lập của ứng dụng này sau khi tái cấu trúc.
Vào hôm 23/3, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết việc bán hoặc tách TikTok ra khỏi công ty mẹ ByteDance phải tuân theo luật Trung Quốc về xuất khẩu công nghệ. Theo đó, luật này yêu cầu giấy phép đối với việc xuất khẩu một số công nghệ nhất định dựa trên các lo ngại về an ninh quốc gia. Hiện ByteDance cũng sở hữu Douyin-phiên bản tiếng Trung của TikTok phổ biến ở nước này.
“Quyết định của Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn phù hợp về mặt luật pháp”- Người phát ngôn của Bộ Thương Mại Trung Quốc Shu Jueting cho biết.
Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng các công ty có trụ sở tại nước này cần phải tuân thủ luật pháp và quy định của quốc gia khi hoạt động ở nước ngoài. Hiện chưa rõ luật kiểm soát xuất khẩu 2020 của Trung Quốc có thể áp dụng như thế nào đối với TikTok.
“Các loại hình sản phẩm xuất khẩu khác nhau được quản lý bởi các tổ chức chính phủ khác nhau, mỗi tổ chức có một hệ thống quản lý riêng” - Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc cho biết.
Khi được hỏi về phát biểu của Bộ thương mại Trung Quốc vào hôm 23/3, Giám đốc điều hành TikTok cho biết ứng dụng này hiện không khả dụng ở Trung Quốc, nhưng cũng không phủ nhận việc sử dụng các nhân viên Trung Quốc cho các dự án kỹ thuật. Ông cho biết các nhân viên của công ty Byte Dance làm việc tại Trung Quốc vẫn có thể truy cập một số dữ liệu từ Mỹ, nhưng việc này sẽ kết thúc sau khi hoàn thành Dự án Texas – dự án nhằm lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ ở nước này, nhằm khẳng định rằng chính quyền Trung Quốc không có quyền truy cập vào chúng.
Về phía Mỹ, ông Kelly cho biết: “Tôi không nghĩ rằng lệnh cấm, đóng cửa hoặc thoái vốn hoàn toàn đối với TikTok là cần thiết nhưng tất nhiên mọi thứ cần phải tách bạch, rõ ràng. Đồng thời, ông gợi ý rằng việc này có thể được thực hiện thông qua một cơ chế ủy thác.
Nhưng tuyên bố của Bộ thương mại Trung Quốc liên quan đến TikTok cho thấy Bắc Kinh đang muốn vào cuộc.
“Việc Trung Quốc làm mọi cách để ngăn chặn việc phải bán TikTok ở Mỹ không liên quan nhiều đến việc bảo vệ các thuật toán và công nghệ của nước này mà đúng hơn là một động thái đáp trả trước những chính sách công nghệ của Mỹ trong thời gian gần đây” - Daniel Russel, phó chủ tịch phụ trách an ninh và ngoại giao quốc tế, Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho biết.
Gần đây, Mỹ đã tăng cường các hạn chế đối với việc hợp tác giữa các doanh nghiệp và cá nhân của nước này với Trung Quốc liên quan đến công nghệ chất bán dẫn.
Tương lai của Tik Tok sẽ đi về đâu?
Mỹ và Trung Quốc ngày càng viện dẫn an ninh quốc gia như một lý do để kiểm soát công nghệ.
Glenn Gerstell, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế cho biết: “Công bằng mà nói, thực sự có những rủi ro an ninh quốc gia liên quan đến TikTok và đó là một lý do tại sao lệnh cấm ứng dụng này trên điện thoại chính phủ và quân sự có ý nghĩa”.
Hiện TikTok có hơn 150 triệu người dùng ở Mỹ — tương đương khoảng một nửa dân số của đất nước này. Tuy nhiên, ứng dụng này đã bị cấm trên các thiết bị của chính phủ liên bang.
Không rõ liệu cuối cùng Mỹ có buộc ByteDance bán TikTok hay cấm sử dụng ứng dụng này ở quốc gia này hay không?