Mỹ vào tình trạng khẩn cấp năng lượng, một mặt hàng Việt Nam được miễn thuế

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo tình trạng khẩn cấp về năng lượng được công bố hôm 6/6, an ninh quốc gia và chất lượng cuộc sống của người dân Mỹ đang bị đe dọa bởi sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: CNN
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: CNN

Ngày 6/6 (theo giờ bờ Đông Mỹ), Tổng thống Joe Biden đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp về năng lượng tại Mỹ. Ông Biden nói rằng khả năng cung ứng đủ điện của đất nước đang bị đe dọa, đồng thời cho rằng một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là vì cuộc xung đột Nga - Ukraine.

"Nhiều yếu tố đang đe dọa khả năng của Mỹ trong việc cung cấp đủ năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng. Những yếu tố này bao gồm sự gián đoạn trên thị trường năng lượng do cuộc xung đột Nga - Ukraine, cùng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra" - nhà lãnh đạo Mỹ nêu rõ khi ban bố tình trạng khẩn cấp.

Tổng thống Biden đổ lỗi cho Nga là nguyên nhân khiến giá nhiên liệu tại Mỹ cao kỷ lục, trong khi lạm phát tại nước này tăng lên mức cao nhất trong 40 năm. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cho rằng thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do xung đột Nga - Ukraine.

Trên thực tế, sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào các nguồn năng lượng tái tạo được cho là nguyên nhân gây ra sự gián đoạn cung cấp điện ở nhiều bang của Mỹ, điển hình như California và Texas. Năng lượng mặt trời và năng lượng gió rất khó có thể khai thác liên tục do ảnh hưởng từ môi trường, khí hậu. Chẳng hạn, trong đợt giá rét lịch sử vào mùa Đông năm 2021 ở Texas, các tuabin gió bị đóng băng là một trong những nguyên nhân gây mất điện diện rộng, khiến 246 người tử vong và gây thiệt hại ít nhất 195 tỷ USD.

Phát biểu với báo giới, ông Biden nói rằng an ninh quốc gia và chất lượng cuộc sống của người dân Mỹ đang bị xuống cấp bởi tình trạng thiếu hụt tiềm tàng về nguồn cung điện. Trong một thông cáo cùng ngày sau đó, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) để thúc đẩy sản xuất trong nước các tấm pin mặt trời và các dạng năng lượng sạch khác để tăng cường nguồn cung cấp điện.

DPA - ban đầu là một phần của nỗ lực nhằm huy động toàn ngành công nghiệp tham gia cuộc Chiến tranh Triều Tiên - đã được cựu Tổng thống Donald Trump sử dụng để ép các doanh nghiệp sản xuất máy thở và bông gạc thử nghiệm sớm trong đại dịch Covid-19, và gần đây hơn đã được chính quyền Biden viện dẫn để có thể tăng tốc sản xuất sữa bột trẻ em để giảm bớt tình trạng thiếu hụt.

Washington đồng thời tuyên bố miễn thuế 2 năm đối với các sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Việc miễn thuế cũng sẽ áp dụng với sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhập từ Campuchia, Malaysia và Thái Lan. Với quyết định này, Mỹ được cho có thể đảm bảo đủ nguồn cung cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát điện, trong khi vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất điện mặt trời trong nước tăng lên.

Nhà Trắng nhấn mạnh, các công nghệ năng lượng sạch hiện nay đóng góp một phần quan trọng trong việc giảm chi phí năng lượng cho các gia đình, giảm rủi ro cho nguồn cung cấp điện ở Mỹ. Nước này đặt mục tiêu đến năm 2024 tăng gấp 3 lượng điện mặt trời sản xuất trong nước, từ 7,5 GW lên 22,5 GW, đủ để cung cấp cho 3,3 triệu hộ gia đình ở nước này mỗi năm.

Bên cạnh đó, với mục tiêu cắt giảm 50 đến 52% khí thải nhà kính vào năm 2030 và loại bỏ khí thải carbon trong sản xuất điện của Mỹ vào năm 2035 đã được Tổng thống Biden cam kết trước đây, việc tăng cường năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời cũng mang ý nghĩa rất quan trọng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần