Tháng trước, Nga đã từ bỏ thỏa thuận ngũ cốc ra đời vào tháng 7/2022 do Liên Hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, vốn nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sau khi chiến sự ở Ukraine nổ ra. Ukraine và Nga đều là những nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.
"Tất nhiên, trong trường hợp quay trở lại thỏa thuận, chúng tôi sẽ tiếp tục làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo rằng các bên có thể xuất khẩu thực phẩm và sản phẩm thực phẩm một cách tự do và an toàn, bao gồm cả Nga" - ông Blinken nói sau khi chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về tình trạng mất an ninh lương thực do xung đột gây ra - "Chúng tôi muốn tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ giá cả thấp hơn".
Nhiều quốc gia tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an hôm 3/8 đã bày tỏ sự thất vọng về việc Nga đã từ bỏ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, đồng thời kêu gọi Moscow xem xét lại. Để thuyết phục Nga đồng ý với thỏa thuận, một hiệp ước khác cũng đã được ký kết vào tháng 7/2022 mà theo đó, các quan chức Liên hợp quốc đã đồng ý giúp Nga xuất khẩu lương thực và phân bón sang thị trường nước ngoài.
Trong khi xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga không phải chịu lệnh trừng phạt của phương Tây vì chiến dịch đặc biệt ở Ukraine, Moscow cho biết các hạn chế về thanh toán, hậu cần và bảo hiểm đã cản trở các chuyến hàng.
Cũng trong cuộc họp hôm 3/8, Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp quốc Dmitry Polyanskiy cáo buộc các nước phương Tây "không sẵn lòng" hỗ trợ việc thực hiện hiệp ước với Moscow. Ông nhấn mạnh rằng Nga đang chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường lúa mì toàn cầu so với Ukraine, cũng là nhà xuất khẩu phân bón chủ chốt.
Trả lời báo giới, Ngoại trưởng Mỹ Blinken phân trần: "Phải thừa nhận, khi có bất kỳ vấn đề nào xảy ra với những khía cạnh như vận chuyển và bảo hiểm, chúng tôi đã thực hiện các bước để sớm giải quyết, và đã làm như vậy trong suốt quá trình diễn ra thỏa thuận Biển Đen".
Điều này được cho bao gồm việc thông tin cho các ngân hàng "để đảm bảo với họ rằng việc xử lý các giao dịch này là ổn và không vi phạm lệnh trừng phạt của chúng tôi" - theo ông Blinken. Ngân hàng Mỹ JPMorgan đã xử lý một số khoản thanh toán xuất khẩu ngũ cốc của Nga với sự đảm bảo từ Washington.
Liên Hợp quốc lập luận rằng thỏa thuận Biển Đen đã giúp ích cho tất cả các bên, khi giúp giảm giá 23% so với mức cao kỷ lục trong những tuần đầu sau khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra.
Sau khi Moscow từ bỏ thỏa thuận, Nga bắt đầu nhắm mục tiêu tấn công vào các cảng và cơ sở hạ tầng ngũ cốc của Ukraine trên Biển Đen và sông Danube, khiến giá ngũ cốc toàn cầu tăng vọt. Moscow tuyên bố chỉ khôi phục thỏa thuận Biển Đen nếu yêu cầu cải thiện hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga được đáp ứng.
"Nếu tất cả các vấn đề mà Nga công khai nêu ra được giải quyết, chúng tôi sẽ sẵn sàng một lần nữa tham gia vào sáng kiến Biển Đen" - đại sứ Polyanskiy nhắc lại hôm 3/8.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước nói với các nhà lãnh đạo châu Phi rằng Nga sẵn sàng thay thế Ukraine xuất khẩu ngũ cốc sang châu Phi trên cả cơ sở thương mại và viện trợ, qua đó cho thấy vai trò quan trọng của Moscow trong an ninh lương thực toàn cầu.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo các nước đang phát triển rằng Nga đang cung cấp ngũ cốc giá rẻ "để tạo ra sự phụ thuộc mới bằng cách làm trầm trọng thêm các lỗ hổng kinh tế và mất an ninh lương thực toàn cầu" - Reuters trích dẫn một lá thư có được hôm 3/8.
Đại sứ Polyanskiy đã chỉ trích cảnh báo của EU là "một logic suy đồi", đồng thời nói thêm: "Nga chưa bao giờ coi châu Phi, châu Á hay châu Mỹ Latinh là đối tượng để trục lợi".