Myanmar: Chính biến khiến một loạt dự án cơ sở hạ tầng "khủng" đắp chiếu

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính biến ở Myanmar đã đẩy các dự án cơ sở hạ tầng lớn tại quốc gia này đi vào ngõ cụt, đe dọa làm trật bánh các kế hoạch phát triển của quốc gia Đông Nam Á.

Theo tạp chí Nikkei Asia, một trong những “nạn nhân” là Đặc khu Kinh tế Dawei, nằm ở dải phía Nam của Myanmar giáp với Thái Lan, nơi dự kiến sẽ bao gồm một khu công nghiệp và bến cảng một khi hoàn thành. Một tuyến đường cao tốc nối khu phức hợp rộng 200km vuông với bên ngoài cũng đang được xây dựng.
Cơ sở hạ tầng tại Myanmar còn lạc hậu.
Quyền phát triển dự án, một sáng kiến ​​chung giữa Chính phủ Myanmar và Thái Lan, ban đầu được trao cho Italian - Thai Development, một tập đoàn xây dựng có trụ sở tại Bangkok. Tuy nhiên, giới chức Myanmar đã thông báo chấm dứt hợp đồng hồi giữa tháng 1 với lý do tiến độ liên tục bị trì hoãn. Thái Lan và Myanmar đã lên kế hoạch thảo luận về bước tiếp theo của dự án thông qua một ủy ban chung. Tuy nhiên, vụ chính biến hôm 1/2 đã khiến tình hình hoàn toàn thay đổi.
Hậu chính biến, chính quyền quân chủ ở Myanmar đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm và cam kết tổ chức một cuộc bầu cử khác trong vòng 6 tháng sau khi lệnh được dỡ bỏ, nhưng quân đội bảo lưu tùy chọn kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm một năm. Như vậy, tiến độ của dự án Dawei có thể bị trì hoãn tới 2 năm rưỡi vào thời điểm một chính phủ được bầu mới lên nắm quyền. Một khu công nghiệp và "thành phố thông minh" được lên kế hoạch ở Yangon, thành phố lớn nhất và là thủ đô thương mại của đất nước, cũng đang bị nghi ngại lâm vào bế tắc sau khi nhà phát triển bất động sản Thái Lan Amata cho biết đã ngừng đầu tư. Dự án 1 tỷ USD được động thổ vào tháng 12/2020, nhưng chính biến đã làm ảnh hưởng đến triển vọng chuyển nhượng lô cho các doanh nghiệp.
Dòng vốn bị cắt đứt
Chính phủ Nhật Bản mới đây đã ngừng dòng vốn ODA cho Myanmar. Tokyo đã mở rộng viện trợ nước ngoài cho quốc gia Đông Nam Á dưới thời bà Aung Suu Kyi. Việc cắt viện trợ mới có thể ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng Sân bay Hanthawaddy để sẽ phục vụ Thủ đô Yangon, vì đây có thể được xếp vào một trong những dự án viện trợ nước ngoài mới. Nhật Bản đã chi 189,3 tỷ yên (1,77 tỷ USD) vốn ODA cho Myanmar trong năm tài chính 2019.
Ngoài Trung Quốc, vốn không tiết lộ khoản hỗ trợ, Nhật Bản được coi là nhà cung cấp nhiều nhất ODA trong giai đoạn này cho Myanmar. Các quỹ này được hướng tới một dự án đường sắt nối Yangon và Mandalay, 2 thành phố lớn nhất của Myanmar. Các quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản lo ngại rằng việc cô lập Myanmar có thể khiến nước này ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.
Phản ứng của Bắc Kinh đối với cuộc chính biến được quan tâm. Myanmar - quốc gia chung đường biên giới với Trung Quốc ở phía Bắc có vị trí địa chính trị rất quan trọng với Bắc Kinh. Trung Quốc đã đưa vào vận hành 2 đường ống Trung - Myanmar cung cấp dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Ấn Độ Dương.
Các đường ống cho phép các tàu chở dầu của Trung Quốc từ Trung Đông và châu Phi tránh eo biển Malacca, nơi quân đội Mỹ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ. Bên cạnh đó, còn có kế hoạch phát triển một tuyến đường bộ và một tuyến đường sắt nối miền Nam Trung Quốc và Kyaukpyu, một thị trấn ven biển ở Myanmar, đóng vai trò là điểm cuối của mạng lưới đường ống. Kyaukpyu là một đặc khu kinh tế. Các doanh nghiệp Trung Quốc nắm giữ quyền phát triển đang tìm cách xây dựng một cảng nước sâu, một khu công nghiệp và nhà ở. Toàn bộ dự án ước tính sẽ hoàn thành trong 20 đến 30 năm.
Phát triển cơ sở hạ tầng là một phần thiết yếu trong cuộc cải cách kinh tế tại Myanmar dưới thời bà Suu Kyi. Các lệnh trừng phạt từ thập niên 1960 đã khiến cơ sở vật chất tại đây trở nên cũ kỹ. Nhiều lưới điện tại đây hoạt động dự trên nguồn thủy điện, khiến hoạt động nhà máy vào mùa khô trở nên bấp bênh. Chỉ khoảng 20% tuyến đường ở Myanmar được rải nhựa, khiến hoạt động vận chuyển nguyên liệu và hàng hóa trở nên khó khăn.