Myanmar sau động đất: cuộc chạy đua sinh tử giữa đống đổ nát
Kinhtedothi - Hơn ba ngày sau trận động đất kinh hoàng 7,7 độ richter tại Myanmar, các đội cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người sống sót.
Trong 72 giờ đầu sau động đất – giai đoạn được xem là "thời điểm vàng" – các chuyên gia cảnh báo cơ hội sống sót của những người bị vùi lấp sẽ giảm mạnh nếu không được tiếp cận và cứu hộ kịp thời.
Hiện tại, ở Myanmar đã ghi nhận hơn 2.000 người thiệt mạng, trong khi hàng nghìn người bị thương và mất tích. Tâm chấn tại miền Ttrung Myanmar, gần Mandalay, khiến nhiều khu vực bị cô lập sau khi các cây cầu lớn như Sagaing bị sập.

Lực lượng cứu hộ Trung Quốc tìm kiếm nạn nhân tại Sky Villa ở Mandalay, Myanmar, vào Chủ Nhật. Ảnh: EPA
Trước tình hình thảm khốc, chính quyền quân sự Myanmar đã đưa ra lời kêu gọi viện trợ hiếm hoi, mở đường cho các lực lượng quốc tế tiếp cận. Ngay sau đó, các nhóm cứu trợ gồm chuyên gia Mỹ, tổ chức nhân đạo quốc tế và các cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc đã nhanh chóng có mặt tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề để hỗ trợ công tác cứu hộ và viện trợ khẩn cấp.
Tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã nhanh chóng huy động hàng trăm nhân viên và tình nguyện viên đến hiện trường. Các đội cứu trợ mang theo nhu yếu phẩm, thiết bị y tế, nước sạch và hỗ trợ tâm lý khẩn cấp tới những khu vực bị ảnh hưởng nặng như Sagaing, Mandalay và bang Shan. Trong khi đó, Liên minh châu Âu đã cam kết hỗ trợ khẩn cấp 3 triệu euro nhằm thiết lập các trung tâm trú ẩn tạm thời, cung cấp lương thực, nước uống và dịch vụ chăm sóc y tế cho hàng nghìn người dân đang trong cảnh màn trời chiếu đất. Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore cũng cử đội phản ứng nhanh và viện trợ tài chính để giúp Myanmar đối phó với thảm họa.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đang phối hợp cùng các đối tác địa phương để tiếp cận các khu vực bị chia cắt. UNICEF cam kết hỗ trợ hơn 20.000 trẻ em và gia đình bị ảnh hưởng, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thiết lập các đơn vị y tế dã chiến nhằm xử lý tình trạng khẩn cấp tại các bệnh viện bị sập.
Tại Bangkok (Thái Lan), dù cách tâm chấn hàng trăm dặm, sức ảnh hưởng của trận động đất vẫn lan tới. Một tòa nhà cao tầng đang xây dựng đã đổ sập, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị mắc kẹt dưới đống bê tông.
Tại Myanmar, mức độ tàn phá ghi nhận là vô cùng nghiêm trọng. Hàng loạt công trình hạ tầng như cầu, nhà ở, chùa chiền, bệnh viện và trường học bị hư hại nặng. Theo thống kê ban đầu, khoảng 1.700 ngôi nhà, 670 tu viện, 60 trường học và ba cây cầu đã bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng.
Bên cạnh đau thương, những câu chuyện sinh tồn kỳ diệu vẫn đang thắp lên hy vọng giữa đổ nát. Hai cô gái cùng bà ngoại được lực lượng cứu hộ giải thoát sau 15 giờ bị mắc kẹt trong không gian chật hẹp của một ngôi nhà đổ nát. Tại Mandalay, hai phụ nữ sống sót sau 5 giờ bị vùi lấp dưới khách sạn đổ sập, nhờ sử dụng ánh sáng từ điện thoại để định hướng và giữ bình tĩnh chờ lực lượng cứu hộ.
Tuy nhiên, mất mát cũng ngày càng hiện rõ. Hơn 160 nhà sư đã thiệt mạng khi một tòa nhà bất ngờ sập xuống ngay trước giờ họ tham gia kỳ thi tại Mandalay. Hàng nghìn người khác buộc phải ngủ ngoài trời, không chỉ vì nhà cửa bị phá hủy mà còn vì nỗi sợ những đợt dư chấn tiếp theo.
Chính quyền Myanmar tuyên bố các ngày quốc tang từ 31/3 đến 6/4. Trong khi đó, công tác khôi phục và cứu trợ vẫn đang diễn ra quyết liệt, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng y tế và viễn thông bị tàn phá do nội chiến.
Các chuyên gia ước tính số người chết thực tế có thể vượt 10.000 người. Trong bối cảnh đó, mọi nỗ lực cứu hộ, mọi phút giây của lực lượng cứu trợ là cực kỳ quan trọng và đáng trân trọng.

Gian nan việc cứu hộ trong trận động đất lịch sử ở Myanmar và Thái Lan
Kinhtedothi - Trận động đất mạnh 7,7 độ Richter xảy ra tại Myanmar và Thái Lan gây ra nhiều thiệt hại về người và của, khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

Myanmar tiếp tục hứng chịu dư chấn sau trận động đất lịch sử
Kinhtedothi - Miền Trung Myanmar tiếp tục bị rung chuyển sau trận động đất 7,7 độ Richter vào ngày 28/3, khiến ít nhất 1.644 người thiệt mạng. Vào sáng Chủ Nhật, một trận động đất mạnh 5,1 độ Richter lại xảy ra gần Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar.

Đội cứu hộ, cứu nạn Việt Nam đến Myanmar hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất
Kinhtedothi - Chiều ngày 30/3, đội cứu hộ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam gồm 106 người do Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục cứu hộ, cứu nạn Bộ Quốc phòng và Đại tá Nguyễn Minh Khương Phó Cục trưởng, Cục phòng cháy, chữa cháy, Bộ Công An, cùng hàng cứu trợ đã hạ cánh xuống sân bay Yangon, Myanmar.