Năm 2014 - bất ổn, bất an và bất định

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất ổn về chính trị xảy ra trên diện rộng, bất an trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, bất đồng trong cách giải quyết các hồ sơ nóng và sự bất định trong chính sách ngoại giao là những nét chủ đạo của bức tranh toàn cảnh của thế giới trong năm 2014.

Bùng phát bất ổn, gia tăng đối đầu

Thời điểm kết thúc năm 2013, cả thế giới vẫn hướng sự chú ý vào khu vực Trung Đông và Bắc Phi - nơi tập trung các hồ sơ nóng như xung đột tại Syria, vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran,… nên ngay cả những nhà quan sát nổi tiếng nhất cũng không thể ngờ rằng tâm điểm của chính trị toàn cầu lại xuất hiện tại một quốc gia châu Âu là Ukraine. Sự kiện Cream sáp nhập vào Nga và cuộc đấu tranh đòi độc lập tại khu vực miền Đông Ukraine không chỉ đẩy cả thế giới đứng trước nguy cơ của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới mà còn khiến quốc gia Đông Âu này rơi vào tình trạng bất ổn kéo dài. Và sự khác biệt quá lớn giữa các bên khiến năm 2014 khép lại trong sự bế tắc của những cuộc hòa đàm tìm kiếm cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Tình hình bất ổn tại Ukraine vẫn chưa tạm lắng. Ảnh AFP
Tình hình bất ổn tại Ukraine vẫn chưa tạm lắng. Ảnh AFP
Tại châu Á, căng thẳng do các tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của cả thế giới. Những hành động làm gia tăng căng thẳng của Trung Quốc không chỉ bị các quốc gia mà cả các tổ chức khu vực và quốc tế như ASEAN, Liên Hợp quốc lo ngại và yêu cầu mọi tranh chấp tại vùng biển này phải được giải quyết thông qua đàm phán và tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong khi đó, cuộc chính biến tại Thái Lan hay sự ra đi của các chính phủ tại Hy Lạp, Ai Cập, Italia,… vẫn để lại những tác động lâu dài.

Trong những tháng cuối của năm 2014, sự xuất hiện và lớn mạnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã buộc các nước phương Tây phải thay đổi cách tiếp cận hồ sơ Trung Đông. Thay vì tiếp tục thực hiện kế hoạch can thiệp sâu vào tình hình Syria và gia tăng sức ép với Tehran liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, phương Tây đã phải dựa vào những quốc gia này để triển khai lực lượng tiêu diệt IS. 13 năm sau vụ khủng bố 11/9/2001, Mỹ và NATO đã chính thức kết thúc sứ mệnh hao người tốn của tại Afghanistan để hỗ trợ chính quyền sở tại trong cuộc chiến chống lại al-Qeada.

Chỉ có điều cuộc chiến kéo dài hơn chục năm ấy thu được không nhiều kết quả, ngoài sự hồi sinh của al-Qeada, sự lớn mạnh của IS tại Trung Đông và Boko Haram tại châu Phi đã reo rắc nỗi sợ hãi trên toàn thế giới với các cuộc bắt cóc, tấn công liều chết, thảm sát quy mô lớn hay các vụ chặt đầu con tin. Chiến dịch tiêu diệt IS của liên quân quốc tế vẫn đang được tích cực triển khai nhưng không ai dám chắc kết quả của cuộc chiến này sẽ ra sao khi ngày càng nhiều người từ phương Tây lặn lội sang tận lãnh địa của các lực lượng khủng bố để tham gia thánh chiến và tỷ lệ của các vụ tấn công do những “con sói đơn độc” tiếp tục gia tăng.

Thách thức an ninh phi truyền thống

Không phải là những nguy cơ mới xuất hiện nhưng trong các năm gần đây, các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh Ebola, biến đổi khí hậu, an ninh mạng,… ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Được phát hiện từ năm 1976 tại Congo, dịch bệnh Ebola tái xuất vào tháng 12/2013 tại Guinea vào tháng 12/2013 nhưng nhanh chóng bị truyền thông thế giới quên lãng. Phải đến tháng 3/2014 khi Ebola lây lan với tốc độ chóng mặt tại Liberia, Sierra Leone và Nigeria, các tổ chức y tế và nhân đạo thế giới mới có được sự nhận thức đúng đắn hơn về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh này. Tính đến nay, số người tử vong do dịch bệnh chết người Ebola đã lên tới 7.842 trong tổng số 20.081 ca nhiễm được ghi nhận. Và trong những ngày cuối cùng của năm 2014, virus Ebola một lần nữa quay trở lại châu Âu với ca bệnh tại nước Anh.

Điều đáng nói là trong khi thế giới vẫn chưa có bất kỳ phương thuốc nào để phòng và trị căn bệnh này, Ebola đã gây ra một cuộc khủng hoảng toàn diện. Không chỉ gói gọn trong lĩnh vực y tế, dịch bệnh này còn để lại hậu quả lâu dài về kinh tế, ổn định xã hội và nguy cơ nạn đói sẽ quay trở lại vùng đất nghèo khó châu Phi. Trong cuộc chiến với Ebola, nổi bật lên vai trò của những y bác sĩ, các tình nguyện viên từ khắp nơi trên thế giới đã hết lòng điều trị, ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. Những con người dũng cảm, hết lòng vì bệnh nhân ấy đã vượt qua nhiều chính trị gia nổi tiếng, các nhà khoa học, nghệ sĩ lừng danh để trở thành “Nhân vật nổi bật của năm” do tạp chí TIME bình chọn.

Một trong những thách thức an ninh phi truyền thống nổi lên trong năm 2014 là sự tăng vọt của các vụ tấn công mạng và nổi bật lên là vụ trang mạng của hãng phim Sony Pictures bị sập và hệ thống Internet tại CHDCND Triều Tiên chập chờn suốt tuần cuối cùng của năm. “Chiến tranh mạng” - thuật ngữ dùng để chỉ các cuộc tấn công làm tê liệt hệ thống mạng của các đối thủ do một số tổ chức khủng bố hoặc các cá nhân giấu mặt thực hiện dần trở nên phổ biến hơn và khiến internet trở thành một trong những môi trường nguy hiểm nhất và có khả năng gây thiệt hại nhất hiện nay.

Bất an trước triển vọng kinh tế

Điểm sáng của kinh tế thế giới trong năm 2014 được cho là đến từ nước Mỹ với những chỉ số về việc làm, tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế toàn cầu thay vì được tô vẽ bằng những gam màu sáng đã bị ảnh hưởng bởi các diễn biến bất thường như sự xuống dốc của giá dầu, nợ công và tình trạng giảm phát tại nhiều nước.

Sự hình thành của các Hiệp định thương mại song phương và đa phương từng được hy vọng là sẽ đem lại luồng sinh khí mới cho kinh tế toàn cầu nhưng đồng thời cũng làm nảy sinh những thách thức mới đối với nhiều quốc gia có sức đề kháng tương đối kém. Trong khi nợ công tiếp tục đe dọa sự ổn định và sức cạnh tranh của các nền kinh tế như Nhật Bản, Pháp, Italia… thì mục tiêu nâng mức lạm phát lên 2% của Ngân hàng T.Ư châu Âu và Ngân hàng T.Ư Nhật Bản vẫn bị coi là nhiệm vụ bất khả thi. Điều này vô hình chung đã đẩy thế giới đứng trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh tiền tệ mới do các định chế tài chính ồ ạt bơm tiền vào thị trường, giảm giá đồng nội tệ để kích thích tiêu dùng và tăng trưởng.

Sự kiện nổi bật nhất, có tác động sâu sắc nhất đến kinh tế thế giới trong nửa cuối năm 2014 là sự rớt giá thảm hại của dầu. “Vàng đen” hiện đã thiết lập mức đáy mới trong vòng 5 năm qua và nhiều khả năng sẽ tiếp tục lao dốc do các nước sản xuất dầu mỏ vẫn tiếp tục giữ nguyên sản lượng. Vốn là một nhân tố tác động lớn đến chính trường, giá dầu sụt giảm đã mở ra khả năng bản đồ địa chính trị toàn cầu được vẽ lại với sự sụt giảm mạnh mẽ vai trò, sức ảnh hưởng và vị thế của các cường quốc dầu khí.

Một thế giới vô cực

Tất nhiên, trong sự hỗn loạn của tình hình kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự thế giới, các nước đã khôn ngoan lựa chọn cho mình một đồng minh, đối tác khác nhau. Sự tập hợp lực lượng trong hồ sơ Ukraine rất khác với Syria; sự tập hợp của quốc tế liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran cũng khác với chương trình tương tự tại CHDCND Triều Tiên… Và tập hợp của các nhóm lợi ích trong những hồ sơ khác nhau ấy đã dẫn đến sự ra đời của một hình thái chính sách đối ngoại chưa từng có trong lịch sử. Trật tự thế giới thay vì được vẽ nên bởi hai cực hay đa cực mà đã trở thành một thế giới vô cực.

Trong thế giới vô cực đó, chiến lược ngoại giao dài hạn đã được chính quyền các quốc gia uyển chuyển, linh động thay đổi bằng những chính sách trung hạn và các hành động đối ngoại ngắn hạn hơn. Điều này mang lại không ít hy vọng vào một năm 2015 bình lặng và yên ả hơn. Tuy nhiên, kỳ vọng hòa bình, ổn định, thịnh vượng và hạnh phúc phụ thuộc rất nhiều vào cách thức tiếp cận của từng quốc gia trong bối cảnh nhiều nguy cơ của các vấn đề nóng trong năm 2014 vẫn chưa bị triệt tiêu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần