Năm Canh Dần không thích hợp cho chuyện cưới hỏi?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo lịch cổ Trung Quốc, năm Canh Dần có thể không phải là năm thích hợp cho chuyện cưới hỏi bởi đây là năm không có Xuân.

KTĐT - Theo lịch cổ Trung Quốc, năm Canh Dần có thể không phải là năm thích hợp cho chuyện cưới hỏi bởi đây là năm không có Xuân.

Xuân ở đây là ngày Lập Xuân, một trong 24 tiết khí của năm. Thường ngày này rơi vào 4/2 hoặc 5/2.

Năm nay, ngày Lập Xuân là ngày 4/2/2010 nghĩa là diễn ra trước Tết Nguyên đán (bắt đầu từ 14/2). Như vậy, chính xác là năm Canh Dần sẽ không có ngày Lập Xuân mà theo Xiao Fang, một chuyên gia về lịch cổ của trường Đại học Beijing Normal, mùa Xuân đồng nghĩa với khởi đầu cuộc sống. Vô xuân là khái niệm thường ám chỉ những người không con cái hay không kết hôn dù đã qua tuổi lập gia đình. Vì thế, năm Canh Dần có chữ “canh” mang nghĩa cô độc.

Để tránh năm Canh Dần với điềm không tốt đó, nhiều cặp tình nhân Trung Quốc đã tấp nập cưới xin trong năm ngoái. Năm Kỷ Sửu 2009 được coi là năm đẹp với ngày Lập Xuân rơi vào trong năm âm lịch.

Lấy ví dụ số liệu thống kê chính thức cho thấy chỉ riêng tại tỉnh Giang Tô (miền Đông Trung Quốc) trong khoảng thời gian cuối năm âm lịch từ 1/1/2010 đến 13/2/2010 đã có tổng cộng hơn 110.000 cặp đăng ký kết hôn.

Tại Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, số đám cưới trong năm Kỷ Sửu tăng vọt 48% so với năm trước.

Năm Tân Mão 2011 cũng khá đẹp với ngày Lập Xuân ngay sau khi bắt đầu năm âm lịch (3/2/2011) song đây là năm không đẹp lắm cho chuyện kết hôn.

Năm lý tưởng có thể là năm Giáp Ngọ 2014 với “Xuân kép” và không có điềm gì xấu.

Thế nhưng, nhiều cô dâu chú rể Trung Quốc lúc này chẳng ngại điềm “vô Xuân” của năm Canh Dần. Xiao Feng, 27 tuổi, sắp kết hôn đã hùng hồn tuyên bố: “Chồng chưa cưới và tôi trải qua nhiều cung bậc thăng trầm trong chuyện tình cảm. Chúng tôi quyết không thua một quan điểm không hề có bằng chứng khoa học như vậy”.

Mẹ của cô dù rất mê tín song cũng không muốn con gái phải chờ thêm 4 năm nữa nên đã đồng ý cho cô kết hôn trong năm nay.

Nhiều cặp 8x khác của Trung Quốc cũng có suy nghĩ tương tự Xiao Feng và những ngày đầu năm, các phòng đăng ký kết hôn vẫn nhộn nhịp chứ không vắng vẻ như dự đoán.

Fang Ming, một nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Giang Tô nhận định rằng chuyện năm âm lịch không có ngày Lập Xuân là rất bình thường. “Đó đơn thuần chỉ là sự khác biệt giữa âm lịch và dương lịch. Nó không mang điềm xấu hay tốt gì cả, nhất là với chuyện hạnh phúc hôn nhân”, nhà nghiên cứu này nói.