Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm đầu tiên biến động trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (20/1), tròn một năm trên cương vị Tổng thống, ông Trump đã thực hiện hầu hết những lời hứa của mình.

Ngày nhậm chức Tổng thống, ông Donald Trump đã cam kết sẽ rút khỏi các thỏa thuận thương mại, đòi đồng minh chi thêm cho sự hỗ trợ từ quân đội Mỹ, kết thúc thỏa thuận hạt nhân Iran và xây bức tường ở biên giới với Mexico.

Nhiều quyết sách của ông không chỉ ảnh hưởng đến nội bộ nước Mỹ mà còn tác động đến cả thế giới.
Kinh tế khởi sắc

Lên nắm quyền với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, ông Trump quyết tâm chú trọng đầu tư trong nước, nới lỏng nhiều quy định giúp môi trường kinh doanh tại Mỹ phần nào được giải phóng. Người đứng đầu nước Mỹ chủ trương “mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ” để cắt giảm thâm hụt thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. 
Cũng dưới thời ông Trump, Quốc hội đã thông qua dự luật cải cách thuế quan trọng trong vòng 30 năm, biến nước Mỹ trở thành một nơi thu hút đầu tư nước ngoài với mức thuế DN cạnh tranh.

Những điều này đã giúp kinh tế Mỹ hồi sinh trở lại. Gần 2,1 triệu việc làm mới được tạo ra và tỷ lệ thất nghiệp đứng ở mức 4,1%, thấp nhất trong 17 năm qua. Niềm tin của người tiêu dùng và DN cũng gia tăng. Năm 2017 cũng chứng kiến thị trường chứng khoán của Mỹ tăng trưởng kỷ lục, tăng trưởng GDP ước đạt 3 - 4%, mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua.

Thay đổi chính sách đối ngoại

Mặc dù đạt được một số thành tích trong phát triển kinh tế quốc nội, nhưng các quyết sách đối ngoại của ông Trump lại khiến cả thế giới “thót tim”. Năm đầu tiên cầm quyền của ông Trump được đánh dấu bằng những phát ngôn cứng rắn làm căng thẳng thêm tình hình ở bán đảo Triều Tiên. Đến cuối năm, ông Trump lại có tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, khiến khu vực Trung Đông căng như dây đàn.

Về mặt đa phương, ông Trump liên tục rút ra khỏi các cam kết đa phương, thúc đẩy quan hệ song phương cả về kinh tế, thương mại và nhiều vấn đề khác như biến đổi khí hậu, di cư hay năng lượng. Cụ thể, Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong khi tỏ ý sẽ có hành động tương tự với Hiệp định tự do Bắc Mỹ (NAFTA) của nước này với Canada và Mexico. Washington cũng rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, UNESCO và cắt giảm đóng góp tài chính cho Liên Hợp quốc. Điều này đã ảnh hưởng đến vị thế của Mỹ với tư cách là nhà lãnh đạo toàn cầu trên thế giới.

Thách thức phía trước

Về đối nội, không hẳn là thành tựu kinh tế sẽ mang lại sự đảm bảo cho Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước tình hình chia rẽ đối với các quyết sách trong nước gây tranh cãi như sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với các nước Hồi giáo liên tiếp vấp phải phản đối từ dư luận cũng như tòa án, hay việc chấm dứt chương trình nhập cư Những kẻ mộng mơ (DACA) dưới thời người tiền nhiệm Obama đã hỗ trợ cho hàng trăm nghìn người di cư vị thành niên..., tỷ lệ ủng hộ ông Trump đã xuống dưới 40%, thấp nhất trong nhiều đời Tổng thống. 
Đặc biệt, năm 2018 này sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Điều này được coi thách thức lớn với Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa. Hiện tại, Đảng Dân chủ giành được những thắng lợi quan trọng tại các kỳ bầu cử bổ sung nghị sĩ Quốc hội. Nếu Đảng Cộng hòa thất bại thì các chính sách mà Tổng thống Trump đang thực hiện hoặc vận động sẽ gặp không ít khó khăn.