Một đứa trẻ được bồng trên vai người cha mỉm cười khi họ đi dạo qua công viên rợp bóng lá thu vàng – đó là hình ảnh điển hình của một “ikumen” Nhật Bản.
Thuật ngữ này kết hợp các từ tiếng Nhật ikuji, có nghĩa là chăm sóc trẻ em và ikemen, đề cập đến những người đàn ông có vẻ ngoài ngầu.
Chính quyền Nhật Bản đã quảng bá rộng rãi thuật ngữ này trong thập kỷ qua để chống lại thời gian làm việc kéo dài khét tiếng của đất nước, không chỉ tước đi thời gian của những ông bố nghiện công việc dành cho gia đình và những bà mẹ ở nhà chăm lo, mà còn giúp đẩy tỷ lệ sinh xuống một trong những mức thấp nhất trong thế giới.
Để nắm bắt “cơ hội cuối cùng đảo ngược” tình hình, Thủ tướng Fumio Kishida tuần trước đã công bố một loạt chính sách, bao gồm tăng cường hỗ trợ nuôi con và cam kết nâng số lượng lao động nam nghỉ làm cha từ 14% hiện nay lên 50% vào năm 2025 và 85% vào năm 2030.
Tuy nhiên, một số luồng ý kiến trong nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - vốn từ lâu đã phải vật lộn với tỷ lệ sinh giảm và dân số già hóa - tỏ ra hoài nghi về kế hoạch này.
Ông Makoto Iwahashi, một thành viên của POSSE, một liên đoàn lao động dành riêng cho những người lao động trẻ tuổi, cho biết mặc dù kế hoạch của chính phủ là có thiện chí, nhưng nhiều người đàn ông Nhật Bản chỉ đơn giản là quá sợ hãi khi nghỉ phép vì những hậu quả có thể xảy ra.
Đàn ông Nhật Bản được hưởng 4 tuần nghỉ phép linh hoạt để sinh con, với mức lương lên tới 80%, theo một dự luật được quốc hội Nhật Bản thông qua vào năm 2021.
Nhưng bất chấp luật này, nam giới vẫn “sợ” rằng việc nghỉ phép có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng thăng tiến của họ hoặc họ có thể được bổ nhiệm lại một vị trí khác với ít trách nhiệm công việc hơn, ông Iwahashi cho biết.
Mặc dù việc phân biệt đối xử với những người lao động nghỉ thai sản và nghỉ sinh con ở Nhật Bản là bất hợp pháp, Iwahashi cho biết những người lao động làm hợp đồng có thời hạn đặc biệt dễ bị tổn thương.
Và dù sao đi nữa, “một chút điều chỉnh về thời gian nghỉ sinh con sẽ không làm thay đổi đáng kể tỷ lệ sinh đang giảm,” ông nói thêm.