Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nạn đói - "kẻ thù" mới của Taliban sau một tháng giành được Kabul

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Chúng tôi không có lấy một bao bột mì hay dầu ăn”.

Một tháng sau khi giành kiểm soát Kabul, Taliban đang phải đối mặt với những vấn đề khó khăn trong quá trình biến chiến thắng quân sự chớp nhoáng của mình thành một chính phủ thời bình lâu bền.
Nạn đói đe dọa
Sau 4 thập kỷ chiến tranh và hàng chục nghìn người thiệt mạng, tình hình an ninh hiện nay tại Afghanistan đã được cải thiện, nhưng nền kinh tế thì vẫn chìm trong đống đổ nát mặc dù đã được chi hàng trăm tỷ USD cho phát triển trong 20 năm qua.
Hạn hán và nạn đói đang đẩy hàng nghìn người phải rời khỏi đất nước, trong khi Chương trình Lương thực Thế giới lo ngại quốc gia này có thể cạn kiệt nguồn thực phẩm vào cuối tháng này, đồng nghĩa đẩy khoảng 14 triệu người dân vào cảnh cùng cực.
 Lực lượng Taliban tập trung tại một sân bay quốc tế ở Kabul, Afghanistan. Ảnh: Reuters. 
Trong khi nhiều quốc gia phương Tây tập trung sự chú ý vào việc liệu chính phủ mới của Taliban có giữ lời hứa bảo vệ quyền phụ nữ hay trở thành nơi dung dưỡng cho các nhóm khủng bố như al Qaeda hay không, đối với nhiều người Afghanistan, mối quan tâm hiện nay chỉ là sự sống hàng ngày. Abdullah, một cư dân Kabul chia sẻ với Reuters: “Chúng tôi đang thiếu ăn, nhiều người không có lấy một bao bột mì hay dầu ăn”.
Những hàng dài người vẫn xuất hiện bên ngoài các ngân hàng, nơi giới hạn rút tiền hàng tuần là 200 đô la Mỹ hoặc 20.000 đô la Afghani được áp dụng để bảo vệ nguồn dự trữ tài chính đang ngày càng cạn kiệt. 
Các khu chợ tạm nơi người dân phải bán đồ gia dụng lấy tiền mặt đã mọc lên khắp Kabul, mặc dù số người mua cũng hạn chế. 
Ngay cả khi có hàng tỷ USD viện trợ nước ngoài, nền kinh tế Afghanistan vẫn gặp khó khăn, với tốc độ tăng trưởng không theo kịp với tỉ lệ gia tăng dân số. Việc làm khan hiếm, thậm chí nhiều công chức cũng đã không được trả lương kể từ tháng 7.
"An ninh ở thời điểm hiện tại khá tốt nhưng chúng tôi không kinh doanh được”, một người bán thịt từ khu vực Bibi Mahro của Kabul cho biết.  "Mỗi ngày, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn đối với chúng tôi, thật là chua chát. Đó là một tình huống thực sự tồi tệ."
Những chuyến bay cứu trợ
Sau cuộc sơ tán người nước ngoài hỗn loạn ở Kabul vào tháng trước, các chuyến bay cứu trợ đã nối lại. Các nhà tài trợ quốc tế cam kết chi hơn 1 tỷ USD để ngăn chặn điều mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo có thể là "sự sụp đổ của cả một quốc gia".
 Người dân xếp hàng dài ngoài các ngân hàng ở Afghanistan để rút tiền. Ảnh: Reuters. 
Tuy nhiên, phản ứng của thế giới đối với chính phủ của Taliban vào tuần trước cho thấy sự hời hợt và không có dấu hiệu quốc tế sẽ công nhận chính quyền hiện tại, hay động thái nào nhằm chặn hơn 9 tỷ USD dự trữ ngoại hối “rút chạy” khỏi Afghanistan.
Mặc dù các quan chức Taliban khẳng định không lặp lại những quy định cai trị khắc nghiệt như chính phủ thời trước, vốn bị Mỹ lật đổ trong một chiến dịch can thiệp quân sự sau sự kiện ngày 11/9/2001, nhưng hiện họ vẫn không thể thuyết phục thế giới bên ngoài rằng mọi thứ đã thực sự thay đổi.
Liên tục xuất hiện các báo cáo về việc thường dân bị giết, các nhà báo bị đánh đập, hay những nghi ngờ về việc liệu quyền của phụ nữ có thực sự được tôn trọng theo cách giải thích của Taliban về luật Hồi giáo hay không. Tựu chung lại, những yếu tố này đã làm suy yếu lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với Taliban. 
Ngoài ra vẫn tồn tại sự nghi ngờ sâu sắc đối với các nhân vật cấp cao của chính phủ như tân Bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani, người đang nằm trong danh sách truy nã khủng bố của FBI.
Taliban cũng đang phải đấu tranh với những đồn đoán về sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ, khi mới đây tổ chức này vừa bác bỏ tin đồn rằng Phó Thủ tướng Abdul Ghani Baradar bị ám sát trong một vụ xả súng với những người ủng hộ Haqqani.
Các quan chức cho biết chính phủ đang nỗ lực để các dịch vụ hoạt động trở lại và các đường phố hiện đã an toàn, nhưng khi chiến tranh lùi xa, việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế đang là một vấn đề lớn hơn.
"Trộm cắp đã biến mất. Nhưng bánh mì cũng biến mất", một người bán hàng Afghanistan cay đắng chia sẻ.