Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

NASA xác nhận 2024 là năm nóng nhất trong lịch sử

Khánh Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các nhà khoa học của NASA, nhiệt độ trung bình của bề mặt Trái Đất trong năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

NASA ghi nhận nhiệt độ toàn cầu năm 2024 tăng 1,28°C so với mức trung bình giai đoạn 1951-1980, đồng thời phá kỷ lục nhiệt độ hàng tháng liên tục trong 15 tháng từ tháng 6/2023 đến tháng 8/2024.

Các nhà khoa học ước tính nhiệt độ trung bình của Trái Đất vào năm 2024 hơn khoảng 1,47 độ C so với mức nhiệt giữa thế kỷ 19 (giai đoạn 1850-1900).

NASA xác nhận 2024 là năm nóng nhất trong lịch sử. Ảnh: Tempo
NASA xác nhận 2024 là năm nóng nhất trong lịch sử. Ảnh: Tempo

WMO cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu trong năm đã lần đầu tiên vượt quá 1,5°C so với mức cơ sở trước thời kỳ công nghiệp. Sự gia tăng này tạm thời vượt ngưỡng do Thỏa thuận Paris đặt ra. Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết năm 2024 là năm nóng nhất kể từ năm 1880.  

Nguyên nhân của hiện tượng này được cho là do khí carbon dioxide, methane và các khí nhà kính khác gây ra.

Một bài nghiên cứu quốc tế gần đây ghi nhận mức tăng kỷ lục về lượng phát thải carbon dioxide từ nhiên liệu hóa thạch trên Trái đất vào năm 2022 và 2023. Từ trước thời kỳ công nghiệp hóa vào thế kỷ 18 cho đến nay, nồng độ carbon dioxide trong khí quyển đã tăng từ khoảng 278 phần triệu lên tới khoảng 420 phần triệu.

Hiện tượng nóng lên toàn cầu là nguyên nhân hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan trên đất liền trong 2024, bao gồm các đợt nắng nóng khắc nghiệt, băng tan ở vùng cực, lũ lụt chết người và các đợt cháy rừng mất kiểm soát. Hệ sinh thái vùng biển cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do nhiệt độ của bề mặt nước biển tăng cao.

"Đây là năm mà chúng ta có thể cảm nhận được tác động của biến đổi khí hậu trên toàn hành tinh," David King, cựu trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh, người sáng lập Nhóm Cố vấn Khủng hoảng Khí hậu cho biết.