Cựu tổng thư ký NATO đưa ra đề nghị Ukraine sẽ gia nhập liên minh quân sự nhưng không bao gồm các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát.
Ông Anders Fogh Rasmussen đã có thời gian trao đổi làm việc với Andriy Yermak, cố vấn của tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, đặc biệt là trước hội nghị thượng đỉnh NATO gần nhất ở Vilnius - sự kiện kết thúc với việc Ukraine không được chấp thuận tham gia khối.
Hai bên đã thảo luận rộng rãi về vị trí của Ukraine trong cấu trúc an ninh châu Âu mới, bao gồm các câu hỏi thực tế xung quanh mức độ thành viên NATO của Ukraine.
Rasmussen, tổng thư ký NATO giai đoạn năm 2009 đến 2014, nhấn mạnh rằng kế hoạch để Ukraine trở thành thành viên một phần sẽ không dẫn đến việc kết thúc xung đột, mặt khác thể hiện quyết tâm cảnh báo Nga rằng nước này không thể ngăn cản Ukraine gia nhập liên minh phòng thủ phương Tây.
NATO dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập tại Washington vào mùa Hè tới, tại đây vấn đề tư cách thành viên trong tương lai của Ukraine chắc chắn sẽ là một chủ đề chính.
Tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, giới lãnh đạo Ukraine đã bày tỏ sự thất vọng khi dưới áp lực của Mỹ và Đức, NATO đã đưa ra tuyên bố Kiev sẽ được tham gia khi các điều kiện cho phép.
Thay vào đó, mối quan hệ của Ukraine với NATO đã được nâng tầm bên lề thông qua việc thành lập hội đồng Ukraine-NATO và thông qua một thỏa thuận mà các thành viên khối sẽ đảm bảo an ninh song phương cho Ukraine.
Ông Rasmussen cho rằng lý do Ukraine trở thành thành viên NATO không thể bị hoãn lại vào năm tới. Ông nói: “Đã đến lúc thực hiện bước tiếp theo và đưa ra lời mời Ukraine gia nhập NATO. Chúng ta cần một cấu trúc an ninh châu Âu mới, trong đó Ukraine là trung tâm của NATO.”
Những người ủng hộ việc Ukraine trở thành thành viên NATO đã bị cản trở do theo điều 5 của NATO về phòng vệ tập thể, việc một quốc gia đang có chiến tranh gần như không thể được đề nghị trở thành thành viên, vì tất cả các quốc gia thành viên NATO đều phải tích cực bảo vệ đất nước đang xung đột. Tư cách thành viên NATO cho toàn bộ Ukraine giờ đây trên thực tế sẽ là một thông báo của NATO cho rằng họ có thể đối đầu với Moscow.
“Độ tin cậy tuyệt đối của những đảm bảo trong Điều 5 sẽ ngăn cản Nga tiến hành các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Ukraine, bên trong NATO và do đó giải phóng lực lượng Ukraine để ra tiền tuyến,” ông nói.
Ông cũng cho biết ở một khía cạnh nào đó, đề xuất này tương tự như việc áp đặt vùng cấm bay đối với Nga để nước này không thể bay qua lãnh thổ Ukraine hoặc phóng tên lửa vào các thị trấn của Ukraine.
Các cuộc thảo luận đang được tiến hành trước khi các chuyên gia quân sự quy tụ tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo và nghiên cứu chi tiết về ý tưởng làm thế nào trong bối cảnh các chiến tuyến đang thay đổi, một đường phân giới đáng tin cậy có thể được vẽ ra, giữa lãnh thổ Ukraine được coi là nằm trong NATO và khu vực lãnh thổ Nga kiểm soát.
Ông đưa ra một số lý do chính để Ukraine được đề nghị trở thành thành viên. Việc Ukraine trong NATO sẽ đóng vai trò như một bức tường thành chống lại một nước Nga. Và rằng quân đội Ukraine hiện là đội quân thiện chiến nhất ở châu Âu và sẽ là tài sản cũng như tấm gương cho các cường quốc châu Âu khác.
Theo Cựu tổng thư ký NATO, tổng cộng 25 quốc gia ngoài các nước trong G7 đang đàm phán các thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine như một phần của thỏa thuận bao trùm được gọi là Hiệp ước an ninh Kiev, kỳ vọng sẽ đóng vai trò là cầu nối để trở thành thành viên đầy đủ của NATO.
Thỏa thuận bao gồm việc chuyển giao vũ khí quy mô lớn, tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine để nước này có thể sản xuất vũ khí và đạn dược một cách độc lập hơn.