Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

NATO cam kết tăng cường hỗ trợ Ukraine

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ukraine tiếp tục kêu gọi các đồng minh NATO dỡ bỏ hạn chế về việc sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp nhằm vào mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ nước Nga.

Cuộc họp NATO diễn ra vào ngày 10/7. Ảnh: Leah Millis
Cuộc họp NATO diễn ra vào ngày 10/7. Ảnh: Leah Millis

Các thành viên NATO đã ra tuyên bố ủng hộ Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh của khối quân sự diễn ra ở Washington vào ngày 10/7, đồng thời cam kết khẳng định chính sách xuyên suốt về lộ trình Ukraine gia nhập NATO.

"Tại hội nghị thượng đỉnh này, chúng ta sẽ tiếp tục các bước đi nhằm đặt nền móng cho Ukraine để chiến thắng," Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong một cuộc họp báo sau cuộc họp kéo dài ba ngày tại Washington của 32 quốc gia NATO.

"Hôm nay, chúng tôi gửi một thông điệp mạnh mẽ về sự đoàn kết và quyết tâm đến Moscow rằng hành vi bạo lực và hù dọa sẽ không có kết quả tốt đẹp, Ukraine có thể dựa vào NATO từ bây giờ và cả trong tương lai."

Ông Zelensky trước đó đã kêu gọi các đồng minh duy trì sự ủng hộ thống nhất đối với Ukraine và nói rằng viện trợ mới cần được giao ngay lập tức.

"Nếu chúng ta muốn chiến thắng, để bảo về và cứu đất nước chúng ta, tất cả những hạn chế cần được dỡ bỏ," ông nói.

Chánh văn phòng của ông Zelenskiy, Andryi Yermak, nói tại một diễn đàn công khai rằng điều này sẽ "thay đổi cuộc chơi" khi Ukraine có thể dỡ bỏ tất cả các hạn chế về việc sử dụng những vũ khí do phương Tây cung cấp.

Các thành viên NATO đã có những cách tiếp cận khác nhau về việc Ukraine có thể sử dụng vũ khí được tài trợ. Một số đã làm rõ rằng Kiev có thể sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga,  trong khi Mỹ  đã có cách tiếp cận hạn chế hơn, cho phép vũ khí của họ chỉ được sử dụng trong phạm vi gần biên giới Nga để chống lại các mục tiêu hỗ trợ các hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine.

Ông Biden nói trong cuộc họp báo sau đó rằng Mỹ đã cho phép Kiev sử dụng vũ khí Mỹ trong một cách hạn chế trong phạm vi biên giới của Nga.

"Nếu ông ấy có khả năng tấn công Moscow, tấn công Điện Kremlin, điều đó có hợp lý không? Không, nó không hợp lý," ông nói thêm.

Tổng thống Biden nói ông cùng các quan chức quân sự và tình báo Mỹ đang đưa ra quyết định "hàng ngày về mức độ mà Kiev nên sử dụng. Đó là điều hợp lý để làm."

Mỹ và các đồng minh đã sử dụng hội nghị thượng đỉnh tuần này để thể hiện sự đoàn kết trước những gì mà các thành viên trong khối cho là mối đe dọa ngày càng tăng đối với châu Âu từ Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên, một thành viên NATO là Hungary đã nói trước cuộc họp với nhóm bộ tứ Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, rằng họ không muốn NATO trở thành một khối "chống Trung Quốc", và sẽ không ủng hộ định hướng đấy.

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cũng nói với đài truyền hình nhà nước Hungary rằng việc Ukraine gia nhập liên minh quân sự sẽ làm suy yếu sự đoàn kết trong nhóm.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã khiến các thành viên NATO khác không hài lòng với các chuyến thăm bất ngờ đến Kiev, Moscow và Bắc Kinh trong hai tuần qua mà nhà lãnh đạo này coi là "sứ mệnh hòa bình". Ông và ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump dự kiến sẽ gặp nhau tại nhà riêng của ông Trump ở Florida bên lề Hội nghị NATO.