Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

NATO sẽ đẩy nhanh quy trình kết nạp Ukraine?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các quốc gia thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện vẫn bất đồng về việc có nên hạ thấp tiêu chuẩn và đẩy nhanh quá trình kết nạp Ukraine hay không.

Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra ở Vilnius, Lithuania từ ngày 11-12/7. Ảnh: AP
Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra ở Vilnius, Lithuania từ ngày 11-12/7. Ảnh: AP

Ukraine đang đẩy mạnh các nỗ lực xin gia nhập NATO - liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước này vào cuối tháng 2 năm ngoái.

Trả lời phỏng vấn đài CBS hôm 9/7, Đại sứ Ukraine tại Mỹ Oksana Markarova cho biết "Kiev đã sẵn sàng trở thành thành viên NATO". Đại sứ Markarova nói rằng vào năm 2008, NATO đã “bật đèn xanh” cho phép Ukraine gia nhập liên minh và hiện tại chúng tôi muốn nhận được lời mời chính thức.

Theo Reuters, tại một hội nghị ở Bucharest, Romania năm 2008, NATO nhất trí sẽ cho phép Ukraine gia nhập liên minh trong tương lai. Song, các lãnh đạo NATO đã không trao cho Kiev bản Kế hoạch hành động để có tư cách thành viên (MAP).

Các nước Đông Âu hy vọng NATO sẽ công bố một lộ trình cụ thể dành cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra ở Vilnius, Lithuania từ ngày 11-12/7. Trong khi đó, một số nước ở sườn phía Đông của NATO, bao gồm Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan, mong muốn liên minh quân sự đưa ra những đảm bảo chắc chắn hơn về tư cách thành viên của Ukraine trong tương lai.

Hiện chưa rõ con đường gia nhập NATO của Ukraine sẽ như thế nào, khi ngày càng nhiều quốc gia đề xuất bỏ qua quy trình MAP.

Nếu đề xuất được phê chuẩn, NATO có thể đáp ứng yêu cầu của Kiev và các đồng minh của họ ở Đông Âu cũng như hiện thực hóa lời hứa tại hội nghị thượng đỉnh Bucharest 2008 mà không cần gửi lời mời chính thức hoặc thời gian biểu cho Ukraine.

Trong khi đó, một số nước thành viên NATO khác, đặc biệt là Mỹ và Đức, hiện không tán thành việc hạ thấp các tiêu chuẩn để đẩy nhanh tốc độ kết nạp Ukraine. Washington và Berlin nhấn mạnh rằng NATO nên tập trung vào việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine, thay vì đưa ra bất kỳ động thái nào có thể đưa liên minh tiến gần hơn đến tình trạng đối đầu trực tiếp với Nga.

Trong cuộc phỏng vấn với đài CNN hôm 9/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Ukraine chưa sẵn sàng trở thành thành viên NATO và xung đột cần phải kết thúc trước khi NATO có thể cân nhắc kết nạp Ukraine vào hàng ngũ liên minh.

Ông Biden kêu gọi cần thận trọng trong việc xem xét kết nạp Ukraine, đồng thời cho rằng liên minh quân sự có thể bị lôi kéo vào cuộc chiến với Nga do hiệp ước phòng thủ chung của NATO.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại thượng đỉnh NATO vào ngày  30/6/2022. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại thượng đỉnh NATO vào ngày  30/6/2022. Ảnh: Reuters

Nhà lãnh đạo Mỹ lưu ý: "Tôi không nghĩ rằng có sự nhất trí trong NATO về việc nên đưa Ukraine vào gia đình NATO tại thời điểm này, khi họ đang ở trong một cuộc chiến".

Ông chủ Nhà Trắng đã nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp an ninh và vũ khí cho Ukraine giống như đối với Israel.

Cũng có quan điểm tương tự, Thượng nghị sĩ Chris Coons, thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ nói với đài CBS rằng "phải có một sự đảm bảo an ninh cho Ukraine trong tương lai", nhưng sự đảm bảo chắc chắn về tư cách thành viên NATO là "một quyết định của 31 thành viên NATO”.

“Các nước NATO sẽ nhất trí cam kết tiếp tục hỗ trợ Kiev tiến hành cuộc phản công chống quân đội Nga. Tuy nhiên, tại thượng đỉnh sắp tới ở Vilnius, liên minh quân sự sẽ không đưa ra mốc thời gian cụ thể về việc kết nạp Ukraine” - Thượng nghị sĩ Coons cho hay.

Về phần mình, Tổng thống Zelensky ngày 9/7 tiếp tục kêu gọi NATO đưa ra phản ứng thống nhất đối với nỗ lực trở thành thành viên của Ukraine trước hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Vilnius trong tuần này.

Giới quan sát nhận định, với Ukraine, trở thành thành viên NATO không phải là chuyện dễ dàng. Họ cho rằng một trong những quan ngại chính của những nước này là việc áp dụng điều 5 trong Hiệp ước Washington của NATO.

Điều khoản về phòng vệ tập thể nói trên quy định, bất kỳ hành động tấn công nào nhằm vào một nước thành viên cũng được coi là tấn công vào NATO và đòi hỏi sự đáp trả của liên minh. Do đó, việc kết nạp Ukraine vào thời điểm hiện tại đồng nghĩa NATO sẽ trở thành một bên tham gia cuộc xung đột với Nga, viễn cảnh Mỹ và các đồng minh luôn muốn tránh.

Theo hãng tin AP, liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu có thể quyết định nâng cấp mối quan hệ với Ukraine bằng cách thành lập Hội đồng NATO-Ukraine và trao cho Kiev một ghế trong đội ngũ tham vấn.

Theo quy định, các quyết định liên quan đến việc mở rộng liên minh đều phải có sự đồng ý của tất cả 31 nước thành viên.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng trích dẫn việc NATO mở rộng tới gần biên giới nước này trong 2 thập kỷ qua là một trong những lý do khiến ông quyết định mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022. Moscow cũng nhiều lần cảnh báo sẽ trả đũa nếu NATO quyết định kết nạp Ukraine.