Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nền tảng cho tiến trình thương lượng COC thực chất, hiệu quả

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc ASEAN và Trung Quốc vừa thông qua dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là khởi đầu tích cực cho quá trình đàm phán COC sau này.

Chiều 6/8, trong khuôn khổ Hội nghị AMM 50, các nước ASEAN và Trung Quốc đã chính thức thông qua dự thảo khung COC. Đây được cho là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán thực chất COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. 

Nền tảng cho tiến trình thương lượng COC 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Nguyễn Quốc Dũng cho biết, đây là khởi đầu tích cực cho tiến trình thương lượng COC thực chất và hiệu quả sau này. Sau khi được các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc thông qua, văn kiện này sẽ được trình lên các lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao vào tháng 11 tới. Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 5/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước chủ nhà Philippines Robespierre Bolivar cũng nhấn mạnh rằng, bản dự thảo khung COC được coi như là một "phác thảo" định nghĩa bản chất của Bộ quy tắc ứng xử, nêu chi tiết cơ sở pháp lý cũng như "cách hành xử của các nước trong khu vực". Cũng tại hội nghị đối thoại ASEAN - Trung Quốc chiều 6/8, hai bên đã thông qua Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Trung tâm ASEAN - Trung Quốc, nhằm đánh giá các báo cáo về việc thực hiện Kế hoạch hành động với các Đối tác đối thoại.

 Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Hội nghị AMM50. Ảnh: AP

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đánh giá cao ý nghĩa của việc thông qua dự thảo khung COC này: “Việc thiết lập Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN thể hiện những bước tiến lớn. Chúng ta cũng đã nhất trí về lộ trình cho việc hoàn tất văn kiện COC, tăng cường mối quan hệ thông qua hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc thể hiện cam kết mạnh mẽ giữa hai bên duy trì hòa bình tại khu vực biển”. Phát biểu bên lề hội nghị, ông Vương Nghị cho biết, các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về COC sẽ bắt đầu vào năm nay, và các nước sẽ phải tuân theo khi COC được hoàn tất. Ông Vương Nghị cũng khẳng định, đang có những bước tiến thực sự trong việc giải quyết các bất đồng ở Biển Đông.

Sự kết trái của ưu tiên và nỗ lực

Các nỗ lực để hoàn thiện COC đã kéo dài trong nhiều năm. Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã giải quyết một tuyên bố không ràng buộc kêu gọi các bên yêu sách thực hiện kiềm chế trong các hoạt động có thể leo thang các tranh chấp ở Biển Đông. Trong tiến trình đàm phán, các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đều bày tỏ kỳ vọng ưu tiên và nỗ lực tăng tốc thông qua dự thảo khung COC. Năm 2016, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đề xuất tăng tốc các cuộc tham vấn về COC, trong đó có việc phát triển một bộ khung cho COC trước giữa năm 2017. Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh hồi tháng 1/2017 cũng nhấn mạnh nhóm 10 quốc gia thành viên ASEAN hoan nghênh đề xuất trên của Ngoại trưởng Trung Quốc, đồng thời khẳng định, bất chấp việc các nước thành viên ASEAN vẫn còn những quan điểm khác biệt trong một số vấn đề, bao gồm vấn đề Biển Đông, ASEAN sẽ không xa rời nguyên tắc tham vấn và đồng thuận trong cơ chế ra quyết định của Hiệp hội.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, GS Carl Thayer, thuộc Đại học New South Wales (Australia) từng khẳng định, Philippines - Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2017 đóng góp mạnh mẽ cho tiến trình này. “Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trước tiên muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc và thu hút nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng, và ông ấy đã thành công. Đạt được thỏa thuận khung COC là mục tiêu hàng đầu trong năm 2017 của ông Duterte. Quan điểm của nhà lãnh đạo Philippines là không tạo sức ép buộc Trung Quốc phải tuân theo phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) tại The Hague (Hà Lan) nhưng điều này không có nghĩa là Tổng thống Duterte sẽ từ bỏ những quyền lợi hợp pháp của Philippines được quy định bởi luật pháp quốc tế. Do vậy, các cuộc đàm phán song phương giữa Bắc Kinh và Manila sẽ giúp tăng cường vị thế của ASEAN”, theo GS Carl Thayers.

Vai trò chủ động của Việt Nam

Cũng theo GS Carl Thayer, Việt Nam đóng một vai trò chủ động trong ASEAN trong tiến trình đạt được sự đồng thuận về vấn đề Biển Đông. Việt Nam phản đối việc quân sự hóa các đảo nhân tạo hiện có và việc chiếm đóng các đảo chưa có người ở. Theo đó, Việt Nam đã tích cực ủng hộ việc thực hiện đầy đủ DOC, tiến tới đạt được bộ khung COC, và cuối cùng là một COC có tính ràng buộc đối với vấn đề Biển Đông.

Trong khuôn khổ Hội nghị AMM 50, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề nghị ASEAN đẩy mạnh trao đổi với Trung Quốc, sớm khởi động đàm phán thực chất COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý. Phó Thủ tướng hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc tiếp tục thực hiện đầy đủ DOC, đồng thời khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông đối với hòa bình, ổn định của khu vực. Theo đó, cần giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao; các nước cần tiếp tục ủng hộ các nỗ lực xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột. Trưởng đoàn Việt Nam cũng khẳng định xây dựng cách tiếp cận phù hợp, thỏa đáng về Biển Đông, một mặt là đóng góp thiết thực của ASEAN đối với hòa bình, ổn định lâu dài cho khu vực; mặt khác chính là thước đo năng lực, hiệu quả của ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế.