Nếu không lừa được 30 triệu đồng/ngày thì em phải ăn đồ sống

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Em phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 21 giờ tối. Chỉ tiêu mỗi ngày phải lừa được 30 triệu đồng, nếu không hoàn thành là họ bắt ăn đồ ăn sống chín trộn lẫn vào nhau... là lời kể của cô gái 21 khi bị lừa bán sang Campuchia.

“Đối xử không giống với người”

Đã hơn nửa tháng trôi qua kể từ khi về với gia đình nhưng Đ.T.L. (21 tuổi, xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng) vẫn run lên, bật khóc khi nhớ về khoảng thời gian bị lừa bán sang Campuchia. “Họ ác lắm, đối xử với em không giống như đối với người” - L. nghẹn ngào.

Các nạn nhân bị lừa bán qua Campuchia làm việc với cơ quan chức năng.
Các nạn nhân bị lừa bán qua Campuchia làm việc với cơ quan chức năng.

Khoảng tháng 3/2022, tình cờ qua một người bạn trên facebook, L. được giới thiệu và rủ rê vào làm lao động cho một công ty gỗ ở Bình Dương với thù lao hậu hĩnh. Tin tưởng vào người bạn này, L. rủ hàng xóm là H.T.N. (16 tuổi) cùng đi. Sau đó, cả 2 đều bị lừa bán qua biên giới.

Ở Campuchia, L. được đưa vào khu nhà được bảo vệ nghiêm ngặt, lưới rào xung quanh được gài điện 24/24 giờ. L. làm việc chung nhóm với 2 người khác, được “tập huấn” về cách thức và nhiệm vụ cụ thể, người bắt khách, người tư vấn, người hướng dẫn để lừa các nạn nhân là người Việt kiếm tiền bằng việc xem tiktok, sau đó dụ dỗ chuyển tiền vào tài khoản để hưởng hoa hồng.

“Em làm việc từ 9 giờ sáng đến 21 giờ tối. Mỗi ngày chỉ tiêu phải lừa được 30 triệu đồng, nếu không hoàn thành phải tăng ca đến 22 giờ, 23 giờ. Không đủ chỉ tiêu là họ cho ăn đồ ăn sống, trộn lẫn vào nhau. Điện thoại, giấy tờ đều bị tịch thu” - L. kể lại.

Làm việc 2 ngày, L. xin được sim của một người bên Campuchia và tìm cách liên lạc với người nhà để cầu cứu. “Trong một lần sơ hở, em bị phát hiện có liên lạc về nước, tụi nó bắt nhốt em vào phòng kín, còng tay, đánh đập và bỏ đói em suốt 4 ngày liền” - cô gái trẻ bật khóc.

Sau khi trấn tĩnh, L. kể tiếp: “Tiền lương hàng tháng em không được nhận, phải trả cho chủ vì nó mua em tốn 1.800 USD từ bọn giang hồ. Nếu muốn chuộc ra thì gia đình phải chuyển 50 triệu đồng/người. Sau đó vài ngày lại nâng lên 150 triệu đồng/người. Họ còn bảo, nếu em kiếm được người vào làm thì mỗi người em sẽ được 42 triệu đồng nữa, nhưng em không làm”.

Nhà nghèo mà số tiền "chuộc thân" quá lớn, L. và N. đành ngậm ngùi ở lại làm việc để trả nợ. Một thời gian sau, L. làm việc tốt hơn nên bị bán sang công ty thứ 2. Các số điện thoại trong danh bạ đều bị xóa sạch. Lần này, số tiền nợ của L. với chủ mới đã nâng lên 3.000 USD.

Khoảng 23 giờ ngày 28/10, lợi dụng lúc cổng công ty mở cho xe vào, L. cùng một số người chạy ào ra ngoài để bỏ trốn. Cô chạy về cửa khẩu Tho Mo (tỉnh Long An) rồi lại bắt xe đi về Tây Ninh. Không dám ngủ lại vì sợ chưa thoát khỏi bọn chủ và giang hồ, đến 3 giờ sáng 29/10, L. bắt xe về Sài Gòn.

“Về tới Sài Gòn em đi chân đất, quần áo tả tơi. Một người trong nhóm chia tiền cho mọi người, mua quần áo, rồi 16 giờ ngày 29/10 em bắt xe về Quảng Ngãi luôn. Đến 10 giờ ngày 30/10, em về tới nhà”- L. nói.

H.T.N. may mắn hơn Đ.T.L., tiếp tục làm ở công ty cũ một thời gian thì công ty này chuyển chủ. Đang trong đợt truy quét mạnh, N. được thả về cùng một số người khác.

Cần nâng cao nhận thức

Theo Trưởng Công an xã Trà Bùi Hồ Xuân Đạt, địa phương là xã miền núi nằm ở phía tây của huyện Trà Bồng, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Chuyện 2 cô gái trẻ bị lừa bán qua Campuchia trở thành câu chuyện nóng ở thôn bản vùng cao. Từ chuyện của của L. và N., đơn vị cũng đưa ra cảnh báo, tuyên truyền cho người dân, nhất là lớp trẻ để nâng cao nhận thức.

Đời sống của người dân Trà Bùi còn rất nhiều khó khăn.
Đời sống của người dân Trà Bùi còn rất nhiều khó khăn.

“Nguyên nhân lớn nhất của các vụ việc này là do lớp trẻ tiếp cận mạng xã hội nhưng lại thiếu hiểu biết về các nguy cơ, hành vi lừa đảo. Đối với 2 nạn nhân bị lừa bán qua Camphuchia vừa trở về, chúng tôi đã kiểm tra giấy tờ tùy thân và sẽ tạo điều kiện để các em tìm kiếm việc làm phù hợp, gần với gia đình”- ông Đạt chia sẻ.

Đáng chú ý, L. và N. chỉ là 2 trong số hàng chục nạn nhân ở Quảng Ngãi bị các đối tượng dụ dỗ, lừa bán qua Campuchia trong thời gian gần đây.

Tháng 3/2022, N.V.L. (24 tuổi, huyện Minh Long), trong một lần đọc tin tuyển dụng trên mạng xã hội, tìm người qua Campuchia làm việc với mức lương 20 triệu đồng/tháng, thấy lương cao, L. chủ động liên lạc với người đăng tin và được nhận qua Campuchia làm việc.

Tuy nhiên, L. không nói với gia đình qua Campuchia mà lại nói dối là chuyển công tác đến tỉnh Tây Ninh. Không chỉ đi một mình, N.V.L còn rủ thêm một người bà con ở huyện Minh Long để cùng đi rồi "bặt vô âm tín".

Vài ngày sau đó, những tên môi giới lừa bán lao động nói tiếng Việt Nam, thông báo với gia đình nạn nhân chuyển gấp 180 triệu đồng thì mới thả người.

Để cứu con, ông N.V.T. chạy vạy khắp nơi, mượn được 99 triệu đồng chuyển cho bọn buôn người, nhưng các đối tượng này vẫn không thả con trai ông về Việt Nam như đã hứa mà bán con ông sang công ty khác. Được người quen hướng dẫn, ông T. qua tận Campuchia, trình báo vụ việc với cơ quan chức năng và giải cứu thành công con trai.

Theo Công an tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm 2022 đến nay, qua mạng xã hội, nhiều thanh thiếu niên trên địa bàn đã bị sập bẫy sang Campuchia làm việc với mức lương mỗi tháng hàng chục triệu đồng. Thủ đoạn chung của các đối tượng lừa đảo là đăng tin tuyển dụng lao động với mức lương cao trên mạng xã hội nhằm thu hút thanh niên chưa có việc làm.

Nếu không lừa được 30 triệu đồng/ngày thì em phải ăn đồ sống - Ảnh 1Nhiều người bị lừa sang Campuchia để làm việc phi pháp. (Ảnh: Công an cung cấp).

Sau khi đến Campuchia, nạn nhân được đưa về các cơ sở làm việc khép kín. Các đối tượng bị đe dọa, ép buộc nạn nhân sử dụng máy tính, điện thoại thông minh để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội. Những người không đồng ý làm việc sẽ bị các đối tượng lừa đảo đe dọa, đánh đập hoặc bán sang cơ sở khác.

Những trường hợp muốn bỏ việc về nhà phải liên lạc với người thân tại Việt Nam chuyển hàng trăm triệu đồng tiền chuộc. Tuy vậy, có trường hợp dù đã chuyển tiền nhưng các đối tượng lừa đảo vẫn không cho nạn nhân về quê.

 

Mới đây (ngày 15/11), Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi bắt giam Huỳnh Thanh Tú (30 tuổi, ngụ phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) để điều tra về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Trước đó, lợi dụng sơ hở của cơ quan chức năng trong việc tuần tra kiểm soát biên giới và sự nhẹ dạ cả tin của người dân, Tuấn đã tổ chức, hướng dẫn cho nhiều người trốn sang Campuchia lao động bất hợp pháp tại các casino.

Ngoài việc một số người ở tỉnh Quảng Ngãi bị lừa sang Campuchia lao động rồi bị cưỡng bức làm việc phi pháp cho các tổ chức lừa đảo, như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo… trên mạng, thì thời gian gần đây cũng đã nổi lên tình trạng không ít người  xuất cảnh du lịch sang Philippines rồi làm việc bất hợp pháp cho các công ty đánh bạc trực tuyến.

Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với các hình thức giới thiệu việc làm qua mạng xã hội, nếu có nhu cầu tìm việc làm nên tìm hiểu tại các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm được cấp có thẩm quyền cấp phép.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần